Thương vụ biến đất công sản thành đất tư nhân được Vinafood 2 “phù phép” thế nào?

Sau khi được UBND TP HCM giao 4 cơ sở “đất vàng” tại vị trí trung tâm thành phố, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã liên kết, góp vốn, hợp tác lòng vòng rồi “hô biến” đất công thành đất tư, có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Toàn cảnh khu "đất vàng" được Vinafood 2 "hô biến" từ đất công sang đất tư.

Thanh tra Chính Phủ (TTCP) vừa có Báo cáo kết luận số 2099/BC-TTCP gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (quận 1, TP HCM) và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.

Trước đó, năm 2001, thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Vinafood 2 (100% vốn nhà nước) đã lập thủ tục, báo cáo kê khai và lập phương án xử lý sắp xếp lại nhà đất của 4 cơ sở nhà, đất nêu trên từ mục đích sản xuất kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng và nhà cao tầng để bán và cho thuê theo đúng qui hoạch của thành phố do Vinafood 2 làm chủ đầu tư.

Năm 2003, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP HCM có ý kiến về việc Bộ Tài chính dự kiến phương án sắp xếp, xử lý của 4 cơ sở nhà, đất theo hướng: “Chấp thuận cho Vinafood 2 được chuyển mục đích để trực tiếp lập thủ tục và đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng để bán và cho thuê theo qui hoạch thành phố”.

Báo cáo kết luận của TTCP gửi Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi UBND TP HCM có văn bản thống nhất cho Vinafood 2 được chuyển mục đích, năm 2004 Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định chấp thuận cho Vinafood 2 được chuyển đổi mục đích sử dụng tại 4 cơ sở nhà đất nêu trên.

Sau đó Vinafood 2 vẫn không triển khai được phương án di dời, bồi thường theo qui định và chưa làm thủ tục xin đầu tư dự án, khả năng tài chính yếu kém.

Đến năm 2010, sau khi được UBND TP HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200m2.

Theo đó, Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỉ đồng vào Công ty Việt Hân Sài Gòn (chiếm 80% vốn), Vinafood 2 đóng góp 160 tỉ đồng (20% còn lại) bằng giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Tổng giá trị các khu đất được xác định là 730 tỉ đồng.

Một góc khu đất tại đường Chu Mạnh Trinh.

Ngày 25/11/2015, Vinafood 2 bán 4 khu đất này cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn dùng chính số tiền góp vốn điều lệ tại công ty này trả cho Vinafood 2 (570 tỉ đồng là tiền tính từ giá trị quyền sử dụng 4 khu đất sau khi trừ 160 tỉ đồng góp vốn của Vinafood 2).

Sau đó, Vinafood 2 tiếp tục chuyển nhượng phần vốn 160 tỉ đồng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân. Thương vụ chuyển nhượng 4 khu đất công cho tư nhân hoàn tất.

Về phía Việt Hân, sau khi mua lại số cổ phần của Vinafood 2, ngày 30/1/2016, công ty này chuyển nhượng ngang giá 99% cổ phần Việt Hân Sài Gòn (792 tỉ đồng theo mệnh giá) cho bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng. Hai ngày sau, bà Hồng đã chuyển nhượng số cổ phần này cho CTCP Bất động sản Mùa Đông – VID (Bất động sản Mùa Đông), giá trị chuyển nhượng trên hợp đồng ở mức 1.980 tỉ đồng.

Đến đầu năm 2017, Việt Hân và Bất động sản Mùa Đông tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Việt Hân Sài Gòn cho 2 pháp nhân mới là CTCP Saigon Dimensions và CTCP Đầu tư BOB.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Trân Định - Nam Phong (baovephapluat.vn)

Link bài gốc:

https://baovephapluat.vn/kinh-te/do-thi-xay-dung/thuong-vu-bien-dat-cong-san-thanh-dat-tu-nhan-duoc-vinafood-2-phu-phep-the-nao-100328.html