Thời trang H&M đối mặt với bê bối lừa đảo người dùng lớn nhất lịch sử

'Ông lớn' ngành thời trang H&M đang phải đối mặt với một trong những vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến việc tái chế quần áo cũ.
thoi-trang-hm-doi-mat-voi-be-boi-lua-dao-nguoi-dung-lon-nhat-lich-su-1687318071.png

Báo chí quốc tế mới đây đã phát hiện nhiều nghi vấn về một vụ bê bối lớn của thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M.

Theo đó, Hãng H&M bị tố cáo lừa đảo khách hàng về chiến dịch tái chế quần áo cũ. Các sản phẩm cũ này sẽ được phân thành 3 loại, bao gồm mặc lại (đối với quần áo vẫn đáp ứng được điều kiện sử dụng), tái sử dụng (biến quần áo, hàng dệt may cũ thành các sản phẩm sử dụng cho các mục đích khác) và tái chế (biến quần áo thành các vật liệu khác).

Trong năm 2020, H&M đã thu gom 18.800 tấn quần áo cũ, tương đương 94 triệu chiếc áo phông. Đây là đợt thu gom lớn nhất từ ​​trước đến nay của H&M.

Chương trình Thu gom quần áo cũ của H&M tại Việt Nam

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế đặt nghi vấn, thay vì tái chế, hãng thời trang này đã mang quần áo cũ đi bán lại cho các quốc gia nghèo ở châu Phi hoặc vứt bỏ chúng. Điều này hoàn toàn trái ngược với cam kết "kiên quyết phản đối việc quần áo trở thành rác thải dù có nhiều thách thức liên quan đến việc thu gom và tái chế".

Nhóm phóng viên của tờ Borsen đã gắn thiết bị theo dõi có chip GPS vào trong 10 sản phẩm còn dùng tốt và bỏ vào thùng gom quần áo tái chế của H&M. Dựa trên dữ liệu từ GPS, họ phát hiện thấy số quần áo cũ được đưa tới 3 cơ sở phân loại ở Đức, sau đó 3 trong 10 sản phẩm được đưa lên tàu biển đi tới Beni, một quốc gia ở Tây Phi.

Tờ Vasterbottens cho hay, một nửa số quần áo cũ nhập khẩu từ châu Âu bị vứt bỏ khi tới châu Phi vì nhiều lý do như: rách hỏng; không phù hợp với khí hậu châu Phi; quá rộng hoặc quá chật; màu sắc, kiểu dáng không phù hợp với văn hóa địa phương. Kết cục là thay vì bị vứt bỏ ở châu Âu, số quần áo cũ của H&M đi hơn 1 vòng trái đất để bị vứt bỏ ở châu Phi.

Bên cạnh đó, chất liệu Polyester sử dụng trên quần áo của H&M hầu như không thể tái chế được. 1% đồ của H&M biến thành rẻ lau trước khi kết thúc vòng đời ở bãi rác trong khi 99% còn lại bị bán thành đồ cũ trước khi vứt đi hoặc cho vào lò đốt.

Thay vì bị vứt ở châu Âu, quần áo của thời trang nhanh lại bị vứt bỏ ở châu Phi

Đây không phải là lần đầu tiên H&M vướng bê bối lừa dối người tiêu dùng. Vào năm 2022, H&M Thụy Điển bị đâm đơn kiện vì đã quảng cáo sai sự thật về chiến dịch bảo vệ môi trường của mình. Điều này đã khiến khách hàng lầm tưởng và trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm được cho là thân thiện với môi trường. Các sản phẩm này được H&M quảng cáo là dùng ít nước hơn nhưng thực tế là ngược lại.

Vụ bê bối này đã làm hình ảnh của H&M phần nào đã xấu đi trong mắt người tiêu dùng và gây thêm tai tiếng cho thời trang nhanh.

Mỗi năm, thời trang nhanh thải ra không khí khoảng 1,2 tỷ tấn C02 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, thời trang nhanh cũng là một trong những “thủ phạm” gây lãng phí tài nguyên nước khi cần đến 2.700 lít nước để tạo ra một chiếc áo thun cotton và 7.000 lít nước để tạo ra một chiếc quần jeans, theo World Atlas.

Thời trang nhanh gây hại đến môi trường

Theo Aftonbladet, có khoảng 100 tỷ bộ quần áo được sản xuất hàng năm và trung bình chúng sẽ được mặc 7 lần trước khi vứt bỏ. Những bộ quần áo làm từ Polyester phải mất tới hơn 200 năm để phân hủy.

Quay trở lại với H&M, hãng này đã thực hiện nhiều chiến dịch quyên góp quần áo cũ để tái chế ở nhiều thị trường quốc tế. Những khách hàng của H&M sẽ mang quần áo cũ bỏ vào thùng thu gom tại các cửa hàng H&M và nhận được một phiếu giảm giá. Ở Việt Nam, H&M cũng khởi xướng chương trình Thu gom quần áo cũ và được nhiều khách hàng hưởng ứng. Với mỗi túi đồ cũ khách hàng mang đến cửa hàng H&M, họ sẽ nhận được phiếu giảm giá 15% trên một sản phẩm cho lần mua hàng tiếp theo.

Mai Lý

Theo Riedia, Aftonbladet, World Atlas