Thị trường bia Việt Nam gặp khó trong xu thế kinh tế chung

Dân nhậu chuyển sang uống các loại bia rẻ hơn khi kinh tế trở nên khó khăn đối với Việt Nam - thị trường bia số 3 châu Á.

TP.HCM - Các loại bia độc đáo tại nhà sản xuất bia thủ công Việt Nam C-Brewmaster - nơi có đủ loại hương vị từ trái nhàu đến cà phê và thậm chí cả phở - trong quá khứ đã thu hút rất đông khách hàng thích uống.

Nhưng Giám đốc điều hành Lê Thị Hồng Trang cho biết nhóm của cô đã có ít thời gian hơn để bán bia trong năm nay, khi dân nhậu phải tiết kiệm tiền trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu giảm mạnh đã làm suy yếu nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu của Việt Nam. Quốc gia này đang đứng thứ 3 ở châu Á về cả sự phụ thuộc vào việc buôn bán và tiêu thụ bia.

Heineken ghi nhận doanh thu sụt giảm hơn 20% tại Việt Nam, buộc gã khổng lồ đồ uống Hà Lan phải cắt giảm dự báo lợi nhuận toàn cầu trong nửa đầu năm 2023.

“Mọi người đều giống nhau. Tất cả chúng tôi đều đang phải chịu đựng”, Hồng Trang nói với Nikkei Asia.

Trong nỗ lực giữ chân khách hàng, các quán bia của C-Brewmaster ở Hà Nội và TP.HCM đang bán các loại bia mới với giá rẻ hơn 20%.

Và các đối thủ của họ trong lĩnh vực bia thủ công còn khá non trẻ trong nước cũng đang triển khai các chiến lược giữ chân khách. BiaCraft hợp tác với các thương hiệu mới để nâng cao mức độ tiếp cận với "bia thủ công" của mình và có các chương trình khuyến mãi như "Tung xu trúng bia", theo đó khách hàng tung đồng xu và nhận đồ uống miễn phí nếu họ dự đoán nó sẽ rơi ra mặt nào.

395054069-7029353470436606-1130596753583430474-n-1698198600.jpg

Với việc giảm chi tiêu âm thầm của người dân địa phương, các nhà sản xuất bia East West và Heart of Darkness đã bắt đầu chuyển sang phục vụ nhiều khách du lịch hơn. Nhiều công ty đang đáp ứng sự thay đổi nhu cầu về đồ uống giá rẻ hơn, cũng như pha chế các hỗn hợp mới để khơi gợi sự tò mò của dân nhậu. Các công ty này bao gồm Heineken, công ty đã ghi nhận doanh số bán hàng thấp hơn của các nhãn hiệu cao cấp nhưng doanh số tăng vọt của các loại bia rẻ hơn như Tiger và Bia Viet. Heineken đồng thời tung ra loại bia pha rượu soju Hàn Quốc.

Theo số liệu của Kirn Holdings công bố vào tháng 12, người Việt Nam uống bia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á, ngoại trừ người Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng quốc gia nhiệt đới này cũng đang dẫn đầu mức tụt giảm, với tổng khối lượng bia giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu cho thấy. Bia thủ công đang có mức tiêu thụ tốt khi hàng chục doanh nhân quy mô nhỏ tăng cường sản xuất bia lên men, nhưng các tập đoàn lớn vẫn chiếm ưu thế.

Một lý do giải thích cho khối lượng lớn bia tiêu thụ là người dân Việt Nam ưa chuộng đồ uống nhẹ, sảng khoái trong khí hậu ẩm ướt và họ có thể uống bia với số lượng nhiều, đặc biệt là bia nhẹ và bia pha loãng. Ví dụ, một ly Heineken ở Việt Nam chứa ít cồn hơn so với một ly Heineken ở Mỹ. Ở nước này có câu nói phổ biến là “Không say, không về”.

Nhưng cảm xúc ham vui đó dường như ít có tác động trong thời gian gần đây.

John Pemberton, người sáng lập Heart of Darkness, nói về thời kỳ suy thoái: “Mọi người đi ra ngoài ít hơn hoặc khi đi ra ngoài, họ chi tiêu ít hơn. Họ ăn tối và có thể thay vì hai cốc bia, họ chỉ uống một cốc."

Pemberton cho biết số người ghé quán bar của ông cũng như lượng bia tiêu thụ đang giảm, vì vậy ông đang chuyển hướng sang hợp đồng cung cấp bia hoặc sản xuất bia cho các thương hiệu khác. Ông nói thêm, sự sụt giảm tiêu thụ bia đang được cảm nhận trên khắp Việt Nam, ngay cả đối với những lon bia rẻ nhất được bán ở các chợ ngoài trời.

Ông nói tại hội chợ Brew Asia hôm thứ Năm: “Thật đáng sợ khi ngay cả các quán bán bia tươi uống tại chỗ cũng đang gặp khó khăn”.

Hầu hết các nhà sản xuất bia đều đổ lỗi cho tình trạng suy thoái kinh tế nói chung, do sự kết hợp của tình trạng bất ổn bất động sản ở Việt Nam, xuất khẩu giảm và chiến dịch trấn áp tham nhũng khiến các nhà đầu tư lo lắng. Ngược lại, sự giảm sút tiêu thụ đã dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên, tâm trạng u ám của người tiêu dùng và thu nhập khả dụng ít hơn. Thuế và luật pháp nghiêm khắc hơn chống lại việc lái xe khi say rượu cũng làm giảm nhu cầu.

Các công ty bị ảnh hưởng bao gồm từ nhà sản xuất bia lớn của Việt Nam Sabeco, cho biết trong một tuyên bố rằng “2023 là thách thức đối với toàn ngành” cho đến những công ty như Thiết bị Bia Tươi Sài Gòn (Saigon Fresh Beer Equipment). Ngô Tấn Vũ, chủ Saigon Fresh Beer Equipment, cho biết dân nhậu ít uống hơn đồng nghĩa với việc ít nhà hàng và nhà sản xuất đặt hàng thùng và máy làm lạnh của anh hơn. “Mọi người đều đang trong tình trạng khó khăn,” anh nói.

Cù Tuấn biên dịch phóng sự của Nikkei Asia.