Tập đoàn Bcons: “Ông lớn” địa ốc cũng “xé rào” huy động vốn?

Với tiềm lực tích lũy trong nhiều năm, Tập đoàn Bcons hiện đang là doanh nghiệp có tên tuổi tại thị trường Bình Dương khi thực hiện chuỗi dự án chung cư mang thương hiệu Bcons. Tuy nhiên, thời gian qua báo chí liên tục phản ánh về việc chủ đầu tư này liên tiếp huy động vốn khi dự án còn nằm trên giấy?

Tập đoàn Bcons (hay còn gọi là Bcons Group) được thành lập vào tháng 03/2013. Tiền thân là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bcons, hoạt động trong các lĩnh vực chính như: Xây dựng và cho thuê tòa nhà văn phòng, thi công xây dựng, tư vấn thiết kế, đầu tư và phát triển bất động sản, giáo dục, thương mại…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Bcons Group - ông Lê Như Thạch.

Sự hình thành và phát triển của thương hiệu Bcons gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Lê Như Thạch, sinh năm 1977. Ngoài ra, ông Thạch cũng đứng tên tại nhiều đơn vị “họ” Bcons khác như: Công ty Cổ phần Địa ốc Thanh Bình, Công ty Cổ phần Bất động sản Bcons Land.

Các dự án căn hộ tiêu biểu như: Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông, Bcons Green View, Bcons Plaza, Bcons Sala, Bcons Polygon, Bcons City, Bcons Polaris,…

Phối cảnh dự án Bcons Polaris.

Mới đây, ngày 04/06/2023, Bcons Group “bắt tay” với 3 đơn vị phân phối gồm: Công ty Cổ phần Địa ốc Tera, Công ty Cổ phần Bất động sản Bcons PS, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sao Việt tổ chức sự kiện Lễ giới thiệu dự án Bcons Polaris (dự án thứ 11 của Bcons Group) tại Trung tâm hội nghị White Palace, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Sự kiện thu hút gần 500 chuyên viên kinh doanh và hàng trăm khách hàng tham dự.

Theo đó, dự án Bcons Polaris có tên đăng ký ban đầu là chung cư Lê Trọng Tấn (đường Lê Trọng Tấn, khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do Công ty Cổ phần Bất động sản Bcons PS làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 3.820 m2; gồm 2 tầng hầm, 26 tầng nổi; Cung ứng ra thị trường 522 căn hộ. Giá bán Bcons Polaris được chủ đầu tư công bố 39tr/m2. dự kiến bàn giao nhà vào quý I/2026.

Trả lời báo chí, Sở xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại (12/5/2023) dự án chung cư Lê Trọng Tấn (Bcons Polaris - PV) được UBND tỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; UBND thành phố Dĩ An Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Sở Xây dựng chưa có văn bản xác nhận Công ty Cổ phần Bất động sản Bcons PS đủ điều kiện được ký hợp đồng huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh,… thuộc dự án đầu tư xây dựng chung cư Lê Trọng Tấn. Ghi nhận hiện trạng tại dự án đang san mặt bằng và đang thực hiện công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương để quản lý về xây dựng đối với dự án trên theo quy định”.

Thực tế dự án Bcons Polaris vẫn là bãi đất trống, một vài máy móc phục vụ thi công vẫn nằm ngổn ngang, chưa hề có dấu hiệu thi công cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sao Việt đã tiến hành ký phiếu đăng kí giữ chỗ với khách hàng với số tiền 30 triệu đồng/sản phẩm.

Trên thực tế, việc các chủ đầu tư dự án Bất động sản chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng, thậm chí là chưa được triển khai nhưng đã quảng cáo rầm rộ và rao bán trên thị trường đang diễn ra rất phổ biến. Thế nhưng, một chủ đầu tư lớn như Bcons Group được nhiều chuyện gia đánh giá là một “ông lớn” ở thị trường Bất động sản Bình Dương cũng đi vào vết xe đổ khi “bắt tay” với các sàn phân phối chào bán nhà trên giấy. Phải chăng, nguyên nhân chủ yếu ở đây có thể là do Bcons Group đang thiếu hụt dòng tiền, nên chủ đầu tư buộc phải lách luật mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện nhằm huy động vốn từ khách hàng.

Bên cạnh đó, thời gian qua báo chí đã liên tục phản ánh về việc nhiều chủ đầu tư đùng đủ mọi chiêu trò như đưa ra những lời quảng cáo “có cánh”, hứa hẹn những khoản lợi nhuận khổng lồ khi tham gia mua nhà, góp vốn để "bẫy" những khách hàng nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết để rồi nhận lấy rủi ro về mình. Những vụ việc này, khi người dân tố giác, các cơ quan báo chí phản ánh, nhưng cơ quan chức năng thường chỉ xử phạt ở mức rất thấp, chế tài chưa đủ răn đe, hay đó là “luật bất thành văn” trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai mà các cơ quan ban ngành còn bỏ ngỏ?!

Huy Quang