Omicron khiến triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới trở nên mờ mịt

Theo giới quan sát, triển vọng của kinh tế thế giới hiện giờ phụ thuộc vào một câu hỏi. Đó là mức độ kháng vaccine của biến thể mới Omicron mạnh tới mức nào.

Theo giới quan sát, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tăng cao sẽ giảm thiểu những rủi ro sức khỏe do Omicron gây ra. Do đó, các nước trên toàn thế giới có thể không phong tỏa trên diện rộng.

Nhưng Omicron sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tăng cao của Mỹ, cản trở kế hoạch cắt giảm các biện pháp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu.

"Biến thể virus mới sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý IV/2021. Tác động có thể lớn hơn nữa nếu các chính phủ trên thế giới siết chặt hạn chế để ngăn ngừa virus lây lan", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.

Bien the Omicron anh 1

Omicron sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát do tạo áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Quá trình phục hồi có thể chậm lại

"Nếu biến thể virus mới kháng vaccine ngừa Covid-19 mạnh hơn, quá trình phục hồi của nền kinh tế sẽ bị trì hoãn lâu hơn nữa", chuyên gia Erlam cảnh báo.

Tuy nhiên, theo ông, rất khó để dự đoán mức độ ảnh hưởng của biến thể virus mới đối với nền kinh tế cho tới khi có nhiều thông tin hơn.

Oxford Economics hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2021 từ 4,5% xuống còn 4,2%. Nói với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng biến thể Omicron "sẽ làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi thiếu đồng đều của nền kinh tế toàn cầu".

"Những hạn chế được áp đặt để ngăn virus lan rộng gây ra thiệt hại lớn đối với nền kinh tế", ông Neal Shearing - nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics - nhận định.

Biến thể virus mới có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý IV/2021. Tác động có thể lớn hơn nữa nếu các chính phủ trên thế giới siết chặt hạn chế để ngăn ngừa virus lây lan

Chuyên gia tài chính Craig Erlam (tại London, Anh)

"Câu hỏi đặt ra là các chính phủ sẽ phản ứng như thế nào khi biến thể virus mới lan rộng", ông nói thêm.

Trong bài phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng, nhưng dịch bệnh bùng phát đã kìm hãm đà phục hồi.

Ông nhận định Omicron tạo ra "rủi ro đối với việc làm và tăng trưởng". Cùng với đó là "tình trạng bất ổn gia tăng" của lạm phát.

Với sự xuất hiện của biến thể mới, nhiều người lao động sẽ có tâm lý ngần ngại làm việc trực tiếp. Điều này sẽ cản đường quá trình phục hồi của thị trường lao động và khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.

Người đứng đầu FED nhận định tỷ lệ lạm phát đang cao hơn mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra.

Theo giới quan sát, những hạn chế mới đối với di chuyển sẽ ảnh hưởng đến các hãng hàng không, khách sạn, bảo tàng và nhà hàng. Cùng với đó là nỗi lo ngại của người tiêu dùng.

Những "nút thắt cổ chai"

Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng có thể ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm.

Về phía nguồn cung, biến thể virus mới có thể thúc đẩy người lao động làm việc tại nhà, cản trở hoạt động sản xuất ở các nhà máy. Điều đó sẽ làm trầm trọng hơn nữa tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, từ đó đẩy giá tăng cao.

Lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đối mặt với tình trạng giá cả leo thang vì thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh.

Câu hỏi lớn nằm ở chỗ biến thể mới kháng vaccine tới mức nào. Kể từ khi đại dịch bùng phát, các chính phủ phải đóng băng nền kinh tế vì lo ngại hệ thống y tế quá tải.

Bien the Omicron anh 2

Trong trường hợp xấu nhất, giới chức trên toàn cầu phải tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus lây lan. Điều đó sẽ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang căng thẳng, đồng thời làm tổn hại đến nhu cầu. Ảnh: Reuters.

"Nếu Omicron là một biến thể mới nguy hiểm, dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine hơn Delta, nó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu", ông Holger Schmieding - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg (Đức) - nhận định.

Nhật Bản mới tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài cho đến cuối năm nay. Australia cũng hoãn kế hoạch cho phép sinh viên và công nhân lành nghề nhập cảnh vào nước này tới ít nhất ngày 15/12.

Indonesia cũng tăng thời gian cách ly đối với du khách từ 3 ngày lên 1 tuần. Các nhà hoạch định có thể đối mặt với nhiều vấn đề hơn khi biến thể mới dẫn đến những hạn chế ở các trung tâm sản xuất như Trung Quốc.

Điều này sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng, đồng thời gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động do người lao động không thể trở lại làm việc. Những vấn đề này có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát.