Nông sản chiếm 20% tổng giá trị kim ngạch song phương Việt Nam-Ấn Độ

Ngày 13/9, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến về thương mại nông sản. Hội nghị nằm trong các hoạt động đánh dấu kỷ niệm 75 năm độc lập của Ấn Độ.
Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm thúc đẩy trao đổi giữa các cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam-Ấn Độ và tạo điều kiện bày tỏ quan điểm liên quan toàn bộ các quy định pháp luật và các vấn đề tiếp cận thị trường, nhằm thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh về tầm quan trọng của mặt hàng nông sản trong quan hệ song phương Ấn Độ-Việt Nam. Qua thực tế, mặt hàng nông sản chiếm 20% tổng giá trị của kim ngạch song phương trong năm tài khóa 2020-2021.

Đại sứ Ấn Độ ghi nhận, thương mại nông sản mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân ở cả hai nước và do đó đã trở thành một ưu tiên quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại của Đại sứ quán.

Bên cạnh đó, Đại sứ khẳng định, hợp tác nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước, được thể hiện qua các dự án hỗ trợ phát triển mang tính biểu tượng như Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập những năm 1970 và Viện cây ăn quả Miền Nam tại Tiền Giang những năm 1980.

Đại sứ Pranay Verma hy vọng, những sáng kiến do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức thông qua các cuộc họp trực tuyến sẽ tạo cơ hội để hai bên chia sẻ quan điểm và trình bày về các quy định pháp luật, nhằm tăng cường hiểu biết về hoạt động kiểm dịch thực vật, các biện pháp kiểm soát và quản lý chất lượng, các vấn đề về mở cửa thị trường, qua đó tăng cường hoạt động thương mại về nông sản giữa hai nước.

Tại hội nghị, các cơ quan và các tổ chức quản lý của Ấn Độ và Việt Nam đã chia sẻ thông tin liên quan các quy định về nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật; các biện pháp quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; quy định về chất tồn dư trong thực phẩm; quản lý thuốc bảo vệ thực vật; những yêu cầu kỹ thuật để mở cửa thị trường đối với hàng rau quả; việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch; quy trình số hóa và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, các biện pháp kiểm tra và giám sát.

Bên cạnh việc giới thiệu về chức năng nhiệm vụ của mỗi bên, các cơ quan quản lý cũng trả lời các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp hai nước về quy định mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng nông sản của cả hai bên.