Nhà đầu tư nào được giao dịch T+0 và bán khống?

Thông tư 20 có hiệu lực từ ngày 15/2 sẽ đưa ra những quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp..., qua đó được xem là sự dọn dường của cơ quan quản lý cho giao dịch bán khống và T+0.

Thông tư 20 thể hiện quyết tâm dọn đường của cơ quan chức năng cho việc đưa vào bán khống và giao dịch T0 trong thời gian tới

Vào những ngày cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2020/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021 và thay thế Thông tư số 203/2015/TT-BTC.

Theo quy định cũ, thời gian giao dịch và thanh toán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là T+2 – tức là khi nhà đầu tư mua cổ phiếu thì 2 ngày sau mới có thể bán cổ phiếu đó. Tuy nhiên, Thông tư 120/2020 cho phép nhà đầu tư giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch T+0).

Theo đó, giao dịch sẽ được sẽ chia thành 2 giai đoạn trước và sau khi triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Trước khi triển khai CCP, nhà đầu tư vẫn đặt lệnh mua khi có đủ tiền hoặc theo hợp đồng ký quỹ ký với công ty chứng khoán. Sau khi triển khai CCP, giao dịch của nhà đầu tư dựa trên yêu cầu có đủ tài sản ký quỹ bù trừ tại thanh viên bù trừ, công ty chứng khoán chỉ được nhập lệnh vào hệ thống khi nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu.

Về giao dịch T+0, tại Điều 10 của quy định mới, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch trong ngày phải bảo đảm tuân thủ một số nguyên tắc như tại mỗi công ty chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở 1 tài khoản giao dịch trong ngày; Nhà đầu tư không được thực hiện các giao dịch trong ngày đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ và giao dịch thỏa thuận;…

Ngoài ra, hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày làm việc, trước ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cho cổ đông gắn với mã chứng khoán được giao dịch trong ngày.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động trong ngày.

Công ty chứng khoán không đáp ứng điều kiện được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán phải ngừng ngay việc ký mới, gia hạn hợp đồng giao dịch trong ngày, ngừng cho phép nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày.

Bên cạnh những quy định về giao dịch T+0, Thông tư 120/2020 cũng quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm.

Theo đó, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (hiện là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)). Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại VSD. Để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Dù có hiệu lực từ 15/2 tới đây nhưng các hướng dẫn trong Thông tư 20 có lẽ vẫn chỉ mang tính đính hướng để UBCKNNvà các Sở giao dịch tiến hành triển khai.

Trong lần gặp mặt báo chí gần đây, Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Văn Dũng cho biết HoSE có thể sẽ hoàn thành hệ thống KRX cuối năm 2021 trong khi đó Ủy ban Chứng khoán cũng đang trong quá trình xây dựng hệ thống CCP.

Nếu theo đúng lộ trình, hệ thống KRX đã được triển khai cuối 2020 nhưng do dịch Covid-19 đã khiến HoSE mất thời gian 5-6 tháng đàm phán. Phía Hàn Quốc mới cử chuyển gia chuyên gia Hàn Quốc trong chuyến bay khẩn cấp cứu trợ cuối cùng.

Ngay sau Tết Nguyên đán, HoSE sẽ triển khai test thử nghiệm với các công ty chứng khoán. UBCKNN đã dự phòng rủi ro Covid-19 vẫn còn kéo dài và hệ thống mới có thể phát sinh lỗi, nên sẽ có thể tới cuối năm 2021 mới đi vào vận hành.

Theo dự đoán của ông Dũng, thị trường vẫn cần thêm thời gian để nâng cấp và phải tới giai đoạn 2022-2023 Việt Nam mới chính thức được nâng hạng sau khi triển khai các thay đổi trên.

Trước đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận định, giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh nếu dự thảo được thông qua. Đồng thời, giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh đó, việc được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại lớn trong thời gian tới.

Theo L.L/Thời báo Kinh doanh

Link nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/thi-truong/nha-dau-tu-nao-duoc-giao-dich-t-0-va-ban-khong/20210208035835578