Người dân, doanh nghiệp được miễn, giảm thuế như thế nào do ảnh hưởng của bão số 3?

Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản hướng dẫn gửi Cục Thuế 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi mưa lũ về việc tổ chức hướng dẫn người nộp thuế các quy định pháp luật về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai.

Công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Công văn của Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế các tỉnh, thành phố nơi có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do Bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, triển khai việc hướng dẫn người nộp thuế 2 nội dung: Quy định của pháp luật về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai; Quy định của pháp luật về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho Hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do gặp thiên tai.

Về gia hạn nộp thuế, Tổng cục Thuế dẫn quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế 38 năm 2019 quy định các trường hợp bất khả kháng sẽ được xem xét gia hạn nộp thuế.

Cụ thể, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Người dân, doanh nghiệp được miễn, giảm thuế như thế nào do ảnh hưởng của bão số 3?Ông Vũ Văn Mạnh (67 tuổi, ở phường Bãi Cháy) rầu rĩ khi nhiều gian hàng của gia đình ông bị gió bão tàn phá. Ảnh Nguyễn Khánh

Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp như: bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng; phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp, bao gồm: văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp, kèm tài liệu chứng minh lý do đã nêu.

Trong thời gian gia hạn nộp thuế, người nộp thuế sẽ không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ.

Tổng cục Thuế cũng hướng dẫn, các trường hợp tổn thất không được bồi thường sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh.

Về chính sách miễn, giảm các sắc thuế, như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế hướng dẫn rằng doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với phần giá trị tổn thất do thiên tai. Phần giá trị tổn thất do thiên tai được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi trực tiếp có tính phúc lợi như chi trực tiếp hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Tổng cục Thuế, người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai thì được giảm thuế. Song, số thuế được miễn không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

Về miễn, giảm thuế tài nguyên, người nộp thuế tài nguyên được xét miễn giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất. Trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, người nộp thuế được giảm 50% số thuế phải nộp giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất do thiên tai gây ra từ 20 - 50% giá tính thuế.

Tại văn bản này, Tổng cục Thuế hướng dẫn mức hỗ trợ chi tiết cho riêng cá nhân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do gặp thiên tai. Theo đó, đối tượng này được giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên.

Cụ thể, mức thuế thu nhập cá nhân được giảm tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt được giảm được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

Mức thuế tài nguyên được giảm tương ứng số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Còn về gia hạn nộp thuế, cá nhân, hộ kinh doanh chỉ cần nộp giấy đề nghị gia hạn chậm nhất ngày 30/9 để được gia hạn nộp thuế. Cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong khoảng thời gian được gia hạn thời hạn nộp (bao gồm cả trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế và trường hợp cơ quan có thẩm quyền qua kiểm tra, thanh tra xác định người nộp thuế được gia hạn có số phải nộp tăng thêm của các kỳ tính thuế được gia hạn).

Trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp (nếu có) đối với các hồ sơ thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh, không tính tiền chậm nộp.

"Đối với hộ kinh doanh bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thiên tai (lũ lụt) được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế", Tổng cục Thuế thông tin.

Thiên Trường (t/h)