Ngân hàng muốn điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để kiểm soát rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ về vốn và lãi suất, các ngân hàng cho rằng cần xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ này cho phù hợp với thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay.

Hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Cần điều chỉnh Thông tư 22 để phù hợp với thực tiễn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động thời gian qua.

Thực tế, dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do tâm lý chờ đợi mức lãi suất có thể sẽ tăng trong tương lai. Mặt khác, tâm lý sợ lạm phát cũng làm người dân ít gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn. Do đó, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đều không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.

ngan-hang-muon-dieu-chinh-lai-ty-le-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han-1689561244.jpg
Từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%.

Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 14/8/2020, từ ngày 1/10/2023 tới, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%... Điều này có thể gây áp lực lên chi phí vốn của các ngân hàng trong thời gian tới.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức ngày 13/7, ông Nguyễn Đình Tùng, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc OCB đề nghị: Với Thông tư 22 quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, cần xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ này cho phù hợp với thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay.

Đồng tình, đại diện TPBank đề nghị NHNN xem xét lại các quy định áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo Thông tư 22 cho phù hợp thực tiễn.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, việc “bóc ngắn, cắn dài” sẽ đẩy ngân hàng gặp khó khăn trong việc thực hiện những nghĩa vụ trả nợ khi những công cụ nợ tài chính đến hạn, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn về thanh khoản.

Điều này có thể gia tăng áp lực đối với các ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao khi phải huy động nguồn vốn dài hạn, khiến chi phí vốn cao hơn để có thể đáp ứng cho vay kỳ hạn dài, dẫn đến làm giảm lợi thế của các ngân hàng này.

Mặt khác, doanh nghiệp vay vốn dài hạn từ ngân hàng chịu chi phí cao, trong khi với mức lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức “quá sức chịu đựng” của các doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngân hàng tìm cách giảm áp lực

Cho nên, hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.

Hiện nay, một trong những kênh được các ngân hàng sử dụng để tăng vốn dài hạn là giữ lại cổ tức (hoặc chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, không chia bằng tiền). Chẳng hạn: LPBank thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2023 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 19 cổ phiếu) và phát hành ra công chúng 5.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 25.576 tỷ đồng.

OCB cũng vừa được NHNN chấp thuận phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%. Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng như: HDBank, SHB, Vietcombank… cũng thông báo chốt danh sách cổ đông trong tháng 7 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tìm đến kênh trái phiếu để đa dạng nguồn vốn huy động của mình. Về bản chất, trái phiếu là vốn vay, nhưng có kỳ hạn dài hơn vốn huy động là tiền gửi tiết kiệm và trái chủ không được rút vốn trước hạn như tiền gửi tiết kiệm.

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 6 vừa qua có 13 đợt phát hành riêng lẻ của 10 doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng. Trong đó, nhóm tài chính ngân hàng đứng thứ 2, chỉ sau nhóm doanh nghiệp xây dựng - bất động sản về phát hành trái phiếu.

Cụ thể, nhóm tài chính ngân hàng phát hành với tỷ lệ 39% giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành tháng 6/2023. OCB là nhà phát hành lớn nhất nhóm ngân hàng với 3 đợt phát hành, giá trị 2.000 tỷ đồng. Các nhà phát hành lớn tiếp theo là: BIDV (490 tỷ đồng), NamABank (400 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (300 tỷ đồng).