Theo CNN, tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lần đầu kể từ tháng 12/2018. Giới quan sát cho rằng cơ quan này sẽ mạnh tay tăng lãi suất để hãm đà tăng giá tiêu dùng.

Tại một sự kiện hồi đầu tuần, ông James Bullard - Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis - nhấn mạnh rằng FED cần "khẩn trương" nâng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát. Ông Bullard đề xuất tăng tới 75 điểm cơ bản, tức 0,75 điểm phần trăm.

Trong những tuần qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng liên tục phát đi tín hiệu rằng cơ quan này sẽ đẩy mạnh việc tăng lãi suất.

Lam phat My anh 1

Lạm phát tăng cao trở thành mối quan tâm hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào thời điểm này. Ảnh: Reuters.

Hành động quá muộn

Mới đây, bà Mary Daly - một quan chức FED tại chi nhánh San Francisco - cũng cam kết nâng lãi suất và bày tỏ nỗi lo ngại về lạm phát. Bà cho rằng mối nguy từ lạm phát cũng đáng lo không kém vấn đề thất nghiệp.

Điều này cho thấy FED có thể sẵn sàng tạm gác mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp để tập trung vào đối phó với lạm phát. Việc thắt chặt các chính sách cũng làm triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ xấu đi.

"Lẽ ra FED nên tận dụng cơ hội để nâng lãi suất sớm. Họ muốn làm nhiều điều vào thời điểm này, nhưng mọi thứ gần như đã quá muộn", ông Johan Grahn - Phó chủ tịch tại AllianzIM - nhận định.

"Họ đã không thể đón đầu làn sóng tăng giá. Nên giờ đây, họ phải hành động mạnh tay với việc nâng lãi suất", ông nói thêm.

Hầu hết nhà đầu tư tin chắc rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 5. Khoảng 70% nhà đầu tư dự đoán FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng 6.

Điều này sẽ khiến lãi suất tăng đáng kể so với hồi đầu năm, khi lãi suất sát ngưỡng 0.

Lần cuối FED nâng lãi suất lên tới 0,5 điểm phần trăm là vào tháng 5/2000, thời điểm ông Alan Greenspan còn là chủ tịch FED. Đây cũng là ngay sau khi bong bóng dot-com đạt đỉnh.

Lần nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm gần nhất cũng là dưới thời ông Greenspan, hồi tháng 11/1994.

Theo ông José Torres - nhà kinh tế cấp cao tại Interactive Brokers, FED đang ở một tình thế khó khăn. "Cơ quan này phải nhanh chóng siết chặt chính sách, và hy vọng rằng việc nâng lãi suất sẽ không giáng đòn lên nền kinh tế. Đó là cách duy nhất mà họ có vào thời điểm này", ông nói thêm.

"Việc hành động quá muộn đã làm giảm tính linh hoạt mà FED có", ông Torres nhận định.

Áp lực suy thoái

Theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), cao hơn ước tính 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.

Lạm phát gia tăng khiến thu nhập không thể theo kịp chi phí sinh hoạt. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức thu nhập thực tế theo giờ trung bình của người Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng qua.

Lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm hiện dao động quanh mức 2,9%, tăng khoảng 1,4 điểm phần trăm so với hồi cuối năm 2021. Điều này tạo áp lực lên lãi suất thế chấp và các khoản vay mua nhà.

Lãi suất tăng cao có thể làm hạ nhiệt thị trường nhà ở đang quá nóng. Nhưng điều đó cũng sẽ giáng đòn vào nền kinh tế.

Lam phat My anh 2

Giá năng lượng và lương thực tăng cao đè nặng lên túi tiền của người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: Reuters.

Vào cuối những năm 1970 và đầu thập niên 80, lạm phát tăng cao khiến FED phải mạnh tay nâng lãi suất lên 20%. Điều đó đã dẫn tới một cuộc suy thoái kép. Không dừng lại ở đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục trải qua đợt suy thoái ngắn vào năm 1980 và cuộc suy thoái kéo dài từ giữa năm 1981 đến cuối năm 1982.

Sau đó, FED đã rất cảnh giác với những hệ lụy từ việc lãi suất tăng cao. Chẳng hạn, cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 7/1995. Tới năm 2001, sau cuộc khủng hoảng lớn của thị trường chứng khoán, FED hạ lãi suất tới 11 lần.

Bà Jenny Renton tại công ty quản lý đầu tư Ruffer lo ngại rằng FED có thể sẽ mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này có khả năng dẫn tới suy thoái kinh tế.

Nếu kịch bản này xảy ra, FED có thể cần nhanh chóng cắt giảm lãi suất một lần nữa và gây ra nhiều biến động hơn.

"FED có thể đã mắc phải sai lầm chính sách. Họ phản ứng quá muộn và giờ đứng trước áp lực suy thoái", bà cảnh báo.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng FED nên tập trung vào giải quyết tình trạng lạm phát, thay vì tăng trưởng chậm lại. Bởi thị trường việc làm vẫn còn mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6%.