Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2022?

Lãi suất ngân hàng tháng 8/2022 ghi nhận, tiền gửi ở những kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất, ở mức từ 7-7,35%.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2022?
Lãi suất ngân hàng đang ở mức cao trong hai năm qua. Hiện tại, rất nhiều ngân hàng đang kiến nghị nới room tín dụng. (Nguồn: CafeF)

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

Từ đầu năm 2022, nền kinh tế đang dần phục hồi. Đây cũng là lúc hệ thống ngân hàng khuyến khích huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn cho sản xuất kinh doanh, khiến một số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm tăng khá cao, đặc biệt ở mức khá cao đối với các khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài.

Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến: Kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn lên đến 5,5% bao gồm: ACB, Bắc Á, Bảo Việt, MaritimeBank, SCB, VIB. Kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất từ 5-5,5% Kỳ hạn từ 6-9 tháng, SCB chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất tương ứng kỳ hạn 6 tháng: 6,65%, 9 tháng: 6,8% Tiền gửi ở những kỳ hạn dài hơn từ 12-36 tháng, SCB vẫn là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng: 7,0%, 13 tháng: 7,25%, 18-24-36 tháng: 7,35%. Lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy: Gửi tiết kiệm Kỳ hạn từ 1-3 tháng, ngân hàng GPBank có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng CBBank giữ mức lãi suất lần lượt là 6,35% và 6,45%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là GPBank và SCB với mức lãi suất 6.7% và 7,0% Gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài hơn như 13, 18, 24, 36 tháng, ngân hàng SCB, Bắc Á, VRB có mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất 6,8% kỳ hạn 13 tháng, cùng mức lãi suất 7,0% cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng.

Tiền gửi ngân hàng tăng đột biến

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 2 quý gần đây, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, riêng quý I/2022, số dư đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Kết quả này có được nhờ lãi suất huy động liên tục tăng. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích, lãi suất huy động tăng cũng giúp hút bớt lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh..

Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối ổn, dù không được dồi dào như những năm vừa qua. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối ổn.

Tính đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,51%. Nửa đầu năm 2022, các ngân hàng đã sử dụng vượt quá phân nửa chỉ tiêu tín dụng của cả năm 2022 (14%). Nhiều ngân hàng thương mại đang đối diện khả năng hết hạn mức tín dụng được cấp trong năm (room tín dụng).

Theo đó, rất nhiều ngân hàng đang kiến nghị nới room.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu nới room tín dụng, áp lực với lạm phát là rất lớn. Để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo.

Rút một phần tiền tiết kiệm gửi trước hạn vẫn được hưởng lãi cao

Có hiệu lực từ ngày 1/8, Thông tư 04/2022/TT-NHNN đã điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với trước đây nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Theo đó, Thông tư mới đã làm rõ khái niệm rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.

Nếu rút tiền gửi trước hạn, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất như sau:

Rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: Áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.

Rút trước hạn một phần tiền gửi: Phần tiền gửi rút trước hạn: Áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.

Phần tiền gửi còn lại: Áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Như vậy, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, còn phần tiền gửi còn lại vẫn được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm. Một khi đã rút toàn bộ tiền gửi thì khách hàng sẽ chỉ được thanh toán mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng đó.

Có thể thấy, so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút một phần tiền gửi trước hạn đã giúp người gửi tiết kiệm đỡ thiệt hơn rất nhiều.