Hiệu quả mô hình 3 bên thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp lớn chung tay thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang ngày càng phát huy hiệu quả.
mo-hinh-3-ben-1655124416.jpg
Nâng cao năng lực của doanh nghiệp CNHT

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), khởi đầu của mô hình này là vào tháng 2/2020 khi Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã thực hiện tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng cho 15 doanh nghiệp, nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, giảm tỉ lệ lỗi. Đồng thời, thay đổi nhận thức của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp trong vấn đề duy trì các hoạt động cải tiến, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá, chất lượng, giao hàng mà còn cả về trách nhiệm với xã hội…

Tiếp nối những thành công của tỉnh Hải Dương, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mang tính dài hạn, định hướng phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với 2 nội dung chính, gồm: Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và Chương trình phát triển nhà cung ứng được diễn ra trong 6 năm (từ 2020 - 2025).

Đây được coi là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng, góp phần nâng cao năng lực, tạo liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó, chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh dự kiến được Samsung triển khai tại 5 doanh nghiệp, kéo dài 12 tuần. Trong thời gian này, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh nhằm cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như lương thực, nông sản, thực phẩm; dịch vụ y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng thiết bị phụ tùng sửa chữa thay thế và vật tư tiêu hao; dịch vụ vận tải… nếu đáp ứng đủ các yêu cầu về nhà cung cấp của Samsung.

Đồng thời, hàng năm Samsung sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Ninh tổ chức "Triển lãm cung ứng" nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp ưu tú của tỉnh Bắc Ninh có khả năng đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của Samsung và trưng bày các nguyên vật liệu (bao gồm linh kiện và thiết bị phụ tùng sửa chữa thay thế và vật tư tiêu hao) và các dịch vụ mà Samsung cần cung ứng cùng với yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng để định hướng về tiêu chuẩn, chất lượng… cho các doanh nghiệp cung ứng tiềm năng.

Vai trò của địa phương rất quan trọng

Theo Cục Công nghiệp, mô hình hợp tác phát triển CNHT giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu cần được triển khai trong dài hạn. Các địa phương khác có thể tham khảo, thực hiện hướng tới nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thực tế, thông qua số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp FDI tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều điểm hấp dẫn. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương, vai trò của các địa phương rất quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn địa phương chưa xây dựng các tiêu chí, chương trình hành động cụ thể và chưa bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn...

Do đó, trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương – UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam về cải tiến sản xuất và chất lượng cho doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ Công Thương kỳ vọng, các địa phương chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT nói riêng và công nghiệp nói chung.