Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, đề án về phát triển mô hình nhà ở xã hội đã được tỉnh Bình Dương triển khai rất sớm, từ hơn 10 năm trước. Tỉnh đã và đang huy động các nguồn lực của địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng với Nhà nước đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-cho-nguoi-lao-dong-1691897155.jpg
Khu nhà ở xã hội Định Hòa của Becamex IDC ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kết thúc một ngày làm việc tại công ty, anh Võ Ly Châu trở về với mái ấm của mình. Ở độ tuổi đã gần ngũ tuần, cuộc sống của anh dễ chịu hơn trước từ khi anh mua được căn hộ nhà ở xã hội Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), giúp anh và gia đình an cư lạc nghiệp.

"Sau nhiều năm tích lũy, gia đình tôi đã có điều kiện tiếp cận được chỗ ở vừa túi tiền. Thủ tục để mua căn hộ cũng đơn giản, chỉ cần có đầy đủ các điều kiện, như đang làm việc tại địa phương, có hợp đồng lao động và bảng lương, có đóng BHXH và chưa sở hữu nhà đất ở Bình Dương...", anh Châu cho biết.

Cũng như nhiều gia đình khác chọn Bình Dương là nơi gắn bó lâu dài, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa đã có thể sở hữu một căn hộ tại khu nhà ở xã hội.

"Tôi cảm thấy cuộc sống ở đây rất thoải mái và yên bình, cách chỗ mình gần và thuận tiện. Khu vực này an ninh cũng rất tốt. Vợ chồng tôi đang cố gắng dành dụm để có thể mua được một căn hộ lớn hơn", chị Hoa tâm sự.

Có một căn nhà của chính mình là ước mong của những người dân, công nhân có thu nhập thấp. Từ những mái ấm này, họ có thể ổn định cuộc sống và viết tiếp những ước mơ cao hơn.

Bình Dương hiện là một địa phương năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thu hút đầu tư đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TPHCM. Đây cũng là "miền đất hứa" của hơn 1,6 triệu lao động, những người trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và của cả vùng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, đề án về phát triển mô hình nhà ở xã hội đã được tỉnh Bình Dương triển khai rất sớm, từ hơn 10 năm trước. Cụ thể, tỉnh đã và đang huy động các nguồn lực của địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng với Nhà nước đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Becamex IDC là một trong những doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong tiến trình này.

Sau nhiều năm triển khai xây dựng ở nhiều địa phương như Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát…, đề án nhà ở xã hội của Becamex IDC ban đầu có quy mô 65.000 căn, hiện đã xây dựng được 47.500 căn, đạt 74% kế hoạch của đề án.

Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn nhà ở xã hội, tạo cơ hội an cư cho hàng trăm ngàn lao động.

Nhà ở xã hội – mô hình nhà ở với các chính sách xã hội đi kèm

Theo ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, quan điểm của công ty là luôn xem mỗi người lao động đến với Bình Dương như là một nhà đầu tư, từ đây các dự án nhà ở xã hội khi quy hoạch phải nằm ở các vị trí dễ tiếp cận với các tiện ích xã hội (giáo dục, y tế, dịch vụ, giải trí, đồng thời dễ dàng kết nối giao thông công cộng...).

"Xây dựng nhà ở xã hội không chỉ là xây dựng căn hộ, mà phải tạo dựng một hệ sinh thái cuộc sống cơ bản", ông Huy nhấn mạnh.

Theo ông Huy, nên xem nhà ở xã hội là một mô hình nhà ở với "các chính sách xã hội đi kèm" để hỗ trợ nhằm mang tới một sản phẩm vừa với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp.

Từ hơn 10 năm trước, sau khi nghiên cứu nhiều mô hình nhà ở xã hội từ các nước phát triển, cùng với sự tham vấn của các chuyên gia, kỹ sư, kiến trúc sư, tư vấn trong và ngoài nước, Becamex IDC đã phát triển nhà ở xã hội với quy hoạch theo tiêu chuẩn văn minh của khu dân cư có mật độ xây dựng thấp, quy hoạch mở, cho phép sự mở rộng, can thiệp linh hoạt trong quá trình phát triển đô thị.

Theo đó, chủ đầu tư quan tâm bố trí không gian xanh, tạo môi trường chung thoáng đãng. Các khối nhà hình thành các nhóm nhà ở với khoảng cách hợp lý về không gian, hướng nhà phù hợp nhằm tận dụng tối đa điều kiện thông thoáng và chiếu sáng, hài hòa với giao thông phương tiện, giao thông bộ hành.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai đề án, chủ đầu tư đã có nhiều thay đổi linh hoạt trong thiết kế căn hộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.

Cụ thể, trước đây, mỗi căn hộ có diện tích 30 m2, gồm gác lửng, thì hiện nay, ngoài các căn hộ này, chủ đầu tư đã thiết kế thêm phân khúc cao hơn cho người lao động, là các căn hộ từ 30-50 m2, không có gác lửng.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng được đầu tư toàn diện. Bên cạnh hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ sở nội khu, các dự án của công ty được kết nối với các tuyến giao thông trọng yếu trong khu vực, có tuyến xe buýt công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân. Các dịch vụ thiết yếu, khu vui chơi giải trí, công viên, bệnh viện, trường học, cũng được quan tâm đầu tư đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của con em người lao động.

Hạ giá thành tối đa

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC cho biết, để giúp người lao động thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội, công ty đã hạ giá thành tối đa bằng việc lựa chọn quỹ đất đã được chuyển mục đích sử dụng để triển khai các dự án. Giá bán căn hộ chỉ là giá trị xây dựng và các hạ tầng khác chứ hoàn toàn không tính giá đất.

"Đây là cách làm chưa từng có của dự án nhằm đảm bảo mức giá hợp lý, phù hợp với thu nhập của người lao động", ông Hùng nêu rõ.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng có các chính sách hỗ trợ về tài chính thông qua việc liên kết với các ngân hàng, giúp người lao động tiếp cận các gói vay ưu đãi, trả chậm trong thời gian dài. Do đó, các căn hộ nhà ở xã hội của công ty khi được xây dựng xong đều có người dân đăng ký mua để ở.

Cũng theo đại diện công ty, thời gian tới Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội. Để người lao động có nhiều sự lựa chọn, chủ đầu tư đã thiết kế nhà ở xã hội rất linh hoạt, với nhiều loại sản phẩm giá bán phù hợp, dao động từ 100-280 triệu đồng/căn, hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200-500 triệu đồng/căn.

Cần gỡ 2 'nút thắt' lớn

Theo ông Nguyễn Văn Thanh Huy, đối với việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay, có 2 "nút thắt" lớn cần tháo gỡ.

Thứ nhất, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội hiện còn ít, xây dựng chậm, nguyên nhân do thiếu vốn. Vì vậy, ông Huy cho rằng cần có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội một cách đơn giản nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để huy động vốn, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong phát triển nhà ở xã hội.

Vấn đề thứ 2, theo ông Huy, đó là đối tượng mua nhà ở xã hội khó tiếp cận do thủ tục xét duyệt phức tạp, lãi suất cho vay cao.

"Chính phủ nên có nguồn quỹ phát triển nhà ở xã hội riêng để trực tiếp hỗ trợ cho người lao động được mua nhà ở xã hội, ví dụ như cho vay trên 70% với lãi suất thấp ổn định trong nhiều năm (25-30 năm)", ông Huy nêu kiến nghị.