Hành trình vượt lên chính mình của thầy giáo khuyết tật Vũ Phong Kỳ

Thầy Vũ Phong Kỳ (SN 1991) là giáo viên bị khuyết tật, nhưng luôn có nghị lực và ý chí kiên cường. Từ khi bắt đầu hành trình giảng dạy của mình tại Trung tâm Nghị Lực Sống, dù đối mặt với nhiều thử thách của cuộc sống, nhưng chính sự quyết tâm của thầy đã biến thách thức đó thành cơ hội đặc biệt.

Quay lại để cống hiến

Từ năm lên 6 tuổi chàng trai Vũ Phong Kỳ đã được chẩn đoán bị mắc chứng bệnh loãng xương, những tưởng cuộc đời sẽ chôn vùi bằng trở ngại bệnh tật. Đến năm 2014 chàng trai quê Nam Định đã theo học tại Trung tâm Nghị Lực Sống. Sau khi hoàn thành khóa học tại trung tâm, anh Kỳ đã được Công ty TNHH Esoftflow (thuộc Tập đoàn Esoft Systems - một trong những tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch) tuyển dụng, trở thành nhân viên đồ họa, chỉnh sửa ảnh.

Bốn năm gắn bó cho công ty với mức thu nhập cao nhưng chàng trai ấy không muốn bỏ lỡ cơ hội truyền đi những năng lượng tích cực bằng câu chuyện truyền cảm hứng của mình. Năm 2018, chàng trai ấy đã quay trở về với mái nhà Nghị Lực Sống qua lời mời từ lãnh đạo trung tâm, tiếp tục cống hiến với cương vị là một người thầy giáo cho đến nay. Bằng sự kiên trì và đam mê trong giảng dạy, thầy Kỳ không những truyền đạt kiến thức, mà còn mang đến nguồn cảm hứng và lòng tin cho học viên.

Anh Nguyễn Quang Linh (Thái Bình) một học viên tại lớp thầy Kỳ bày tỏ: “Lần đầu tiên gặp thầy mình cảm nhận được thầy là một người rất thân thiện. Với các bạn học sinh, thầy luôn giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm những bài học về kiến thức chuyên môn và cả những câu chuyện về cuộc sống mà thầy có được từ những năm tháng trải qua khó khăn và lý do thành công như hiện tại”.

Hành trình vượt lên chính mình của thầy giáo khuyết tật Vũ Phong Kỳ- Ảnh 1.

Thầy Vũ Phong Kỳ luôn tâm huyết trong mỗi giờ lên lớp, theo sát, quan tâm đến các bạn học viên.

Sự đóng góp của thầy đã tạo ra những dấu ấn tích cực, thầy Vũ Phong Kỳ là một giáo viên cũng là người tạo động lực, luôn khuyến khích các bạn học viên tham gia những cuộc thi để phát triển khả năng cá nhân. Thông qua sân chơi này, thầy không chỉ tạo ra giá trị tích cực cho các học viên Trung tâm Nghị Lực Sống, mà còn giúp xây dựng sự tự tin và tính độc lập cho người có khiếm khuyết ở bản thân.

Bà Ngô Thị Huyền Minh – Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Công ty CP Nghị lực Sống - Doanh nghiệp xã hội chia sẻ về người thầy giáo tâm huyết: “Thầy Kỳ là người rất gần gũi, có khả năng thấu hiểu học viên của mình. Kỳ coi các bạn học viên như những người bạn, người đồng nghiệp luôn tìm cách truyền đạt tốt nhất có thể. Ngoài ra, thầy ấy còn chia sẻ những bài học kinh nghiệm với nhà tuyển dụng để khi ra nghề các bạn có một kỹ năng tốt nhất”.

Gia đình là động lực phấn đấu

Kể về những ký ức tươi đẹp về gia đình, ánh mắt tự hào của thầy Kỳ bừng sáng khi nhớ đến những khoảnh khắc hạnh phúc. Nhưng tận sâu trong niềm vui đó, thầy không quên nhắc đến những đêm bố mẹ trằn trọc, đối mặt với khó khăn bởi căn bệnh loãng xương đã khiến đôi chân và tay của con trai họ không còn như trước. Đã có những lúc, thầy Kỳ thấy bất lực trước số phận của mình, nhưng nghĩ đến bố mẹ, anh tiếp tục cố gắng.

Hành trình vượt lên chính mình của thầy giáo khuyết tật Vũ Phong Kỳ- Ảnh 2.

Nụ cười vẫn luôn thường trực trên đôi môi của thầy trong những giờ lên lớp với học viên.

Gia đình là nguồn động viên và động lực lớn nhất cho thầy Kỳ trong việc thực hiện những điều phi thường mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Nhờ có sự hỗ trợ và khuyến khích từ gia đình đã tạo ra một môi trường tích cực, giúp thầy vượt qua những thử thách và khó khăn trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp.

Khi quyết định lên Hà Nội học, gia đình cũng chỉ mong muốn anh được ra ngoài va chạm xã hội. Dẫu không kỳ vọng gì nhiều, nhưng thầy Kỳ đã chứng minh tất cả bằng khả năng của bản thân, giờ đây đã trở thành một người thầy mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Thầy Kỳ bộc bạch: “Tình cảm ấm áp và sự thấu hiểu từ gia đình là nguồn động viên giúp tôi tự tin, mạnh mẽ vượt qua những thách thức trong cuộc sống”.

Hành trình vượt lên chính mình của thầy giáo khuyết tật Vũ Phong Kỳ- Ảnh 3.

Người thầy không ngừng vươn lên mọi nghịch cảnh, tiếp bước cho các thế hệ học trò theo sau tìm tòi, khám phá ra những khả năng của bản thân.

Giờ đây, việc thầy có thể lo đầy đủ cho bản thân, phụ giúp gia đình là một điều đáng tự hào. Thầy cũng hy vọng cộng đồng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để những người yếu thế có thể phát triển tài năng và đóng góp những giá trị tốt đẹp. Thầy mong muốn xây dựng môi trường sống làm việc chân thực, tôn trọng bình đẳng, nơi mọi người có cơ hội công bằng để theo đuổi ước mơ và đóng góp tài năng của mình cho xã hội. Điều này không những là ước mơ cá nhân, mà đó khát vọng thay đổi trong tương lai cho những người học trò của mình.

Kim Khánh