Giá xăng dầu hôm nay 13/4: Vì sao giá xăng dầu trong nước không giảm mạnh như kỳ vọng?

Giá xăng dầu hôm nay 13/4: Giá dầu thế giới trở lại trên mốc 100 USD/thùng. Trong nước, do việc trích lập Quỹ bình ổn giá cao kỷ lục ở kỳ điều hành lần này nên giá xăng dầu không thể giảm mạnh như kỳ vọng...

Giá xăng dầu hôm nay 13/4: Yếu tố nguồn cung còn nhiều bất ổn, thị trường dầu khả năng cao sẽ còn biến động mạnh 

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,89% lên 101,5 USD/thùng vào lúc 6h58 (giờ Việt Nam) ngày 13/4. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 giảm 0,16% xuống 104,87 USD/thùng.

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay (13/4) sau khi tăng trở lại trên 100 USD/thùng trong phiên trước, vì các lệnh phong toả tại Thượng Hải được nới lỏng và sản lượng dầu và khí đốt ngưng tụ của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.

xang-1649816941.jpg

Giá xăng dầu hôm nay 13/4: Trở lại trên mốc 100 USD/thùng

Trước đó, dầu thô đã đánh mất mốc 100 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần. Cụ thể, kết thúc phiên 11/04, giá dầu WTI giảm 4,04% xuống 94,29 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 4,18% xuống 98,48 USD/thùng.

Ngày càng nhiều yếu tố mới buộc giới phân tích phải đánh giá lại triển vọng thị trường dầu. Chỉ trong trong vòng chưa đến 2 tháng kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine bắt đầu, đà tăng đã bị đảo ngược và giá đang bước vào xu hướng giảm. Theo đánh giá trước kia, thị trường sẽ bị thiếu hụt ít nhất 2 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 4. Tuy nhiên, với gần 2 triệu thùng/ngày do các thành viên Cơ quan Năng lượng cam kết tung ra thị trường, trước mắt, vấn đề cung – cầu này có thể sẽ sớm được giải quyết.

Thực tế, theo các dữ liệu từ các tàu chở dầu gần nhất, khối lượng xuất khẩu dầu của Nga thông qua đường biển không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngoại trừ vấn đề về chuyển hướng tuyến đường vận chuyển sang châu Á mất nhiều thời gian hơn so với các khách hàng cũ ở châu Âu, trước mắt Nga đã giảm thiểu được tác động từ hiện tượng tự cấm vận. Tuy nhiên, liệu xu hướng này có kéo dài hay không là một vấn đề cần phải cân nhắc. Kể từ đầu tháng 3, xuất hiện các chuyến tàu buộc phải đổi lịch trình mà không rõ điểm đến cuối cùng. Đó có thể là các tàu được mua bán “sang tay” ngay trên biển, nhưng cũng có thể là các tàu bị mất người mua. Bên cạnh đó là Mỹ đang muốn gia tăng sức ép để Ấn Độ không gia tăng các đơn hàng từ Nga, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối do quan hệ đối tác Nga - Ấn. Cho đến khi có các dữ liệu xuất nhập khẩu cụ thể cho tháng 04, đây sẽ là các yếu tố tạo ra sự biến động trên thị trường.

Ngày hôm nay, giá đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên khả năng cao sẽ sớm gặp áp lực trở lại tại vùng dưới 100 USD/thùng.

Một diễn biến khác, tiếp nối Thượng Hải, thành phố Quảng Châu cũng đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 toàn bộ 18 triệu dân để kiểm soát dịch lây lan. Thông tin trên, kết hợp với các dữ liệu kinh tế tiêu cực của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ giảm trong thời gian tới.

Theo thông tin có được, một số nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ vận hành và giảm lượng dầu thô tiêu thụ, nhằm tránh áp lực cho đầu ra. Lạm phát đầu vào của Trung Quốc, thể hiện qua số liệu Chỉ số giá đầu vào PPI tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể dự báo 7,9% của giới phân tích, cho thấy áp lực giá cả dành cho các nhà máy sản xuất ngày càng lớn.

Ngay cả trước khi dịch Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã cảnh báo tiêu thụ dầu của thế giới có thể giảm 1 triệu thùng/ngày trước áp lực của giá cả.

Sáng hôm nay, thị trường đang phục hồi phần nào nhờ lực mua bắt đáy và thông tin mới rằng Thượng Hải đang tiến hành phân loại các khu dân cư để nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị hạn chế khi các nhà đầu tư đánh giá các dữ liệu mới từ 2 báo cáo tháng thị trường dầu quan trọng của OPEC và EIA để có thêm dữ liệu nhằm đánh giá tình hình thị trường.

thi-truong-1649817126.jpg

Trích lập quỹ bình ổn '"ỷ lục", giá xăng dầu giảm chưa tới 1.000 đồng/lít.

Trong nước, giá xăng dầu hôm qua đã được điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 830 đồng/lít, từ mức 27.309 đồng/lít giảm xuống còn 26.479 đồng/lít. Xăng RON95-III giảm 840 đồng/lít, từ mức 28.153 đồng/lít xuống còn 27.313 đồng/lít.

Mặt hàng dầu ghi nhận mức tăng ở kỳ điều hành ngày 1/4 đã quay đầu giảm do tác động từ việc giảm giá của giá dầu thế giới. Cụ thể, dầu diesel giảm 700 đồng/lít, từ mức 25.080 đồng/lít giảm xuống còn 24.380 đồng/lít; dầu hỏa giảm 740 đồng/lít, từ mức 23.764 đồng/lít giảm còn 23.024 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên mức 20.929 đồng/kg.

Cơ quan quản lý đã thực hiện tăng trích lập Quỹ bình ổn giá ở mức "kỷ lục" khiến cho đà giảm của giá xăng dầu trong nước ngày 12/4 thấp hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, đối với các mặt hàng E5RON92 trích lập lên mức 650 đồng/lít và xăng RON95 trích lập lên mức 550 đồng/ít, dầu diesel trích lập lên mức 500 đồng/lít, dầu hỏa từ việc không trích lập đã tăng trích lập 350 đồng/lít.

Đồng thời, nhà điều hành cũng dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng, ngoại trừ dầu mazut là 481 đồng/kg.

Giá xăng dầu hôm nay 13/4: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.479 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.313 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.024 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.

P.V