Giá vàng hôm nay 8/2 abc
Giá vàng hôm nay 8/2, Giá vàng lấp lửng, ngày vía Thần tài ‘thổi’ giá SJC. (Nguồn: Getty)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 8/2

Mở cửa phiên giao dịch sáng 7/2, giá vàng trong nước tăng mạnh 650 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.

Thời điểm 8h40’, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 62,45 - 63,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 650 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm trước.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý giá vàng SJC không đổi so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 61,8 - 62,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 62,2 - 63,15 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Tại thị trường châu Á, ciá vàng tăng lên mức cao nhất một tuần qua trong phiên giao dịch chiều 7/2, do áp lực lạm phát từ việc giá dầu mỏ tăng cao giúp hạn chế ảnh hưởng của việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao nhờ báo cáo việc làm lạc quan, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm giúp thúc đẩy sự hấp dẫn của kim loại quý.

Vào lúc 15h53’ ngày 7/2, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.812,80 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 27/1 là 1.814,91 USD/ounce cũng trong phiên này. Còn giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,4% lên 1.814,10 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 6h21’ ngày 8/2, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco đóng phiên ở mức 1.821,2 - 1.822,2 USD/ounce, tăng 0,9 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 7/2:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 62,8 – 63,45 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 62,7 – 63,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 62,3 – 63,15 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 62,4 – 63,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 62,7 – 63,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,84 – 54,64 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 53,2 – 54,4 triệu đồng/lượng.

Xu hướng giá vàng còn lấp lửng

Giá vàng thế giới tăng do áp lực lạm phát gia tăng và lo ngại xung quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu kim loại quý này tăng lên, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi thêm dữ liệu trong tuần này để cân nhắc xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh như thế nào.

Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.813,73 USD/ounce vào lúc 12h36 GMT ngày 7/2, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 27/1 ở 1.814,91 USD trước đó trong phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.814,70 USD/ounce.

Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: “Tháng trước, vàng là một hàng rào tuyệt vời chống lại việc chứng khoán giảm và lợi suất trái phiếu tăng”.

Theo ông Hansen, rõ ràng, đó là kết quả của lạm phát gia tăng trong cả một quá trình chứ không còn là “nhất thời” như Chủ tịch Fed đã từng nói.

“Ngoài ra, một vấn đề khác mà chúng ta thực sự không thể bỏ qua là những rủi ro địa chính trị ảnh hưởng tới thị trường liên quan đến căng thẳng Nga và Ukraine", chuyên gia của Ngân hàng Saxo nhận định.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn ở gần mức cao nhất kể từ tháng 12/2019 sau khi báo cáo việc làm của Mỹ vào thứ Sáu tuần trước cho thấy đã có 467.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp được tạo ra vào tháng 1/2022.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi số liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Năm tuần này để biết thêm những tín hiệu về việc Fed tăng lãi suất.

Trong khi vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và rủi ro địa chính trị, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX cho biết, mối đe dọa chiến tranh ở Ukraine và lạm phát dai dẳng cộng với giá dầu tăng khiến vàng tăng giá trong khi Fed ngày càng hiếu chiến làm tăng thêm chi phí cơ hội nắm giữ vàng.

"Tuy nhiên, xu hướng giá vàng còn rất lấp lửng vì thị trường đang chờ đợi một chất xúc tác cơ bản", Venketas nhận định.

Trước đó, ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ) nói: “Bên cạnh các vấn đề chuỗi cung ứng, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới diễn biến hiện nay của lạm phát là giá dầu".

Giá dầu thô Brent tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giám đốc bộ phận giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures David Meger cho biết, áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều này lại đang tạo ra lực đẩy giúp thị trường vàng đi lên.

Ngày 7/2, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) đã phục hồi sau nhiều tổn thất do Covid-19 gây ra từ năm 2020 và đạt 4.021 tấn trong cả năm 2021.

Tại Việt Nam, nhu cầu về trang sức ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Nhu cầu cả năm 2021 về vàng miếng và tiền xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020.

Theo WGC, nhu cầu đối với vàng trên toàn cầu đã gia tăng trong quý cuối cùng của năm 2021 khi đạt 1.147 tấn, mức cao nhất theo quý kể từ quý II/2019 và tăng gần 50% so với quý IV/2020.