Giá vàng hôm nay 18/9: Giá vàng lao dốc thảm, triển vọng tồi tệ, kim loại quý sẽ ‘đau đớn’ theo Fed, giá vàng SJC nối đà giảm mạnh

Giá vàng hôm nay 18/9, giá vàng giảm mạnh, làm rung chuyển thị trường, vẫn bị phụ thuộc vào Fed và đồng USD quyền lực. Vàng bị quá nhiều sức ép đè nặng. Fed càng tăng lãi suất, vàng càng suy yếu trong ngắn hạn. Vàng SJC nối đà lao dốc.
Giá vàng hôm nay 18/9 abc
Giá vàng hôm nay 18/9, Giá vàng lao dốc thảm, triển vọng tồi tệ, kim loại quý sẽ ‘đau đớn’ theo Fed, vàng SJC nối đà giảm mạnh. (Nguồn: Shutterstock)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 18/9

Tuần này, thị trường vàng trong nước ghi nhận số phiên giảm giá áp đảo.

Mở cửa giao dịch phiên 12/9 đầu tuần, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,15 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước.

Sáng 13/9, các doanh nghiệp trong nước duy trì giá vàng niêm yết ở mức 67 triệu đồng/lượng.

Tới phiên sáng 14/9, giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt giảm, trong đó, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,05 - 66,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước.

Sáng ngày 15/9, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Hà Nội) được ấn định ở mức 66,05 - 66,85 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), tăng 50 nghìn đồng lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên chiều qua.

Mở cửa giao dịch phiên 16/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,7 - 66,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 250 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Chốt phiên cuối tuần sáng 17/9, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,85 – 66,65 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với phiên đầu tuần 12/9 ở mức 66,15 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng SJC trong nước chốt phiên 17/9 giảm 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào chiều bán ra.

Trên thị trường thế giới, dù khởi động tuần mới khá thuận lợi song các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy dường như không có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xoay chiều chính sách và tiếp tục đẩy mạnh việc nâng lãi suất, qua đó tạo áp lực giảm cho giá vàng trong các phiên giao dịch sau đó.

Phiên phục hồi vào cuối tuần không giúp giá vàng thoát khỏi tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 4 tuần qua.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 16/9, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay ở mức 1.672,48 USD/ounce, giá vàng giao kỳ hạn ở mốc 1.683,50 USD/ounce.

Như vậy, giá vàng giảm 2,5% kể từ đầu tuần đến nay, sau khi từng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Vàng không tận dụng được lo ngại rủi ro suy thoái Mỹ gia tăng trong tuần, và “thậm chí không được xem là một kênh trú ẩn an toàn” vào dịp này.

Ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chốt tuần giao dịch (16/9) trên sàn Kitco tại 1.676,9 USD/ounce.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 17/9:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,85 – 66,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,65 – 66,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,85 – 66,65 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,75 – 66,55 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,87 – 66,63 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 50,56 – 51,31 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 50,05 – 51,15 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 17/9, 1 USD = 23.795 VND, giá vàng thế giới tương đương 48,07 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 18,58 triệu đồng/lượng.

Vàng vẫn trông chờ vào động thái của Fed

Sự biến động của vàng đã làm rung chuyển thị trường trong tuần này khi các mức hỗ trợ quan trọng bị phá vỡ và giá giảm xuống 1.650 USD/ounce. Tuy nhiên, những gì kim loại quý quý này làm tiếp theo sẽ phụ thuộc vào động thái của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ vào tuần tới.

Vàng giảm trong bối cảnh kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn sau khi dữ liệu cho thấy nhu cầu đối với người lao động ở Mỹ vẫn mạnh. Doanh số bán lẻ cũng ở mức hợp lý. Điều này có khả năng khiến Fed tiếp tục chu kỳ thắt chặt trong tương lai gần.

Kỳ vọng lãi suất cơ bản tăng 75 điểm cơ bản vào thứ Tư và sau đó là một đợt tăng 75 điểm nữa vào tháng 11 đang đè nặng lên vàng khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tiếp tục tăng.

Everett Millman, chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins, cho biết: "Sức mạnh trong nền kinh tế rộng lớn hơn đã loại bỏ sức hút trú ẩn an toàn của vàng. Trong khi đó, kỳ vọng tăng lãi suất đang khiến lãi suất thực tăng lên, điều này không có lợi cho vàng. Fed càng tăng lãi suất, vàng càng suy yếu trong ngắn hạn”.

Trong khi đó, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, lưu ý: "Nếu Fed gây bất ngờ với việc tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản vào tuần tới, chúng tôi đang xem xét việc giá vàng phá vỡ mốc quan trọng 1.600 USD/ounce và triển vọng vàng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng các nhà hoạch định chính sách có khả năng bám sát mức tăng 75 điểm cơ bản".

Cũng theo chuyên gia Moya, các thị trường nên chuẩn bị cho việc ngân hàng trung ương Mỹ duy trì tốc độ tăng lãi suất này trong cuộc họp tháng 11 tới, và điều đó sẽ khiến vàng chịu thêm áp lực".

Nền kinh tế cần có dấu hiệu chững lại để vàng bắt đầu phục hồi. Nhưng hiện tại, các dữ liệu vĩ mô đến cho thấy một thị trường lao động vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Nhà phân tích Moya nói thêm: "Nếu dữ liệu kinh tế xấu đi trong vài tháng tới, Fed có thể sẽ điều chỉnh… Fed không thể tăng lãi suất lên 5% hoặc cao hơn nhiều mà không cảm thấy đau đớn".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, vàng sẽ giảm giá hơn nhiều trong tương lai. TD Securities đã mở rộng vị thế bán vàng chiến thuật của mình vào thứ Sáu, với lý do rủi ro gia tăng của một sự kiện đầu cơ.

Nhà chiến lược hàng hóa cao cấp Daniel Ghali của TD Securities cho biết: "Chúng tôi bắt đầu giao dịch với dự đoán rằng việc định giá lại kỳ vọng của Fed sẽ làm trầm trọng thêm dòng chảy đang diễn ra trong kim loại quý trong bối cảnh lạm phát ngày càng dai dẳng...

Phân tích của chúng tôi cho thấy vàng sẽ không tăng giá trong chu kỳ tiếp theo. Chúng tôi kỳ vọng việc dòng tiền tiếp tục chảy ra từ các nhà quản lý tiền và quỹ ETF sẽ ảnh hưởng đến giá kim loại quý".

TD Securities dự đoán giá vàng ở mức 1.580 USD, với lệnh cắt lỗ ở 1.720 USD/ounce.

Chiến lược gia thị trường cấp cao Frank Cholly của RJO Futures cho biết: “Mức hỗ trợ chính hiện gần hơn với mức 1.650 USD/ounce. Đây là mức để các thị trường kiểm tra xem liệu người mua đã sẵn sàng tham gia hay chưa.

Thị trường hiện đã định giá Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 75 điểm cơ bản vào tuần tới và có thể là 75 điểm cơ bản nữa vào kỳ họp sau đó. Có thể Chủ tịch Fed Powell sẽ nói điều gì đó trong phần Hỏi & Đáp vào thứ Tư tuần sau (21/9) để giảm bớt lo sợ rằng ngân hàng trung ương này sẽ thắt chặt quá mức. Vàng sẽ như vậy. Fed không thể tiếp tục tăng lãi suất mà không cho nền kinh tế thời gian để đưa ra thêm bằng chứng về sự suy thoái”.

Ông nói thêm, nếu Fed muốn hạ cánh nhẹ nhàng, cơ quan này sẽ phải giảm tốc độ tăng lãi suất.

Đảo ngược đường cong lợi suất

Cũng có một sự đảo ngược đường cong lợi suất đáng lo ngại vào tuần tới. Sự đảo ngược đường cong lợi suất xảy ra khi lãi suất kho bạc ngắn hạn vượt lên trên lợi suất dài hạn.

Thị trường thường coi sự đảo ngược của đường cong lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm là một dấu hiệu báo trước đáng tin cậy của một cuộc suy thoái. Và nó đã trở nên tồi tệ hơn.

Lợi tức của kho bạc kỳ hạn 10 năm lần cuối ở mức 3,46%, trong khi lợi suất của kho bạc kỳ hạn 2 năm ở mức 3,88%. Chênh lệch lợi suất hiện là âm 42 điểm cơ bản, sâu nhất trong một tháng.

Chiến lược gia Francesco Pesole của ING FX cho biết: "Chúng tôi đang quan sát phản ứng ngoại hối đối với sự đảo ngược đường cong lợi suất của Mỹ: đồng USD được hỗ trợ và các loại tiền tệ hàng hóa theo chu kỳ bị ảnh hưởng nặng nề... Đây chỉ là một yếu tố khác làm trì hoãn bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với đồng USD”.