Giá vàng hôm nay 15/9: Giá vàng giằng co, Fed không 'nhẹ chân ga' - vàng 'run rẩy', SJC rời xa mốc quan trọng

Giá vàng hôm nay 15/9 tăng nhẹ sau sự sụt giảm của đồng USD, tuy nhiên, mức tăng này bị giới hạn phần nào bởi kỳ vọng Fed không "nhẹ tay ga", tiếp tục tăng lãi suất.
Giá vàng hôm nay 15/9:
Giá vàng hôm nay 15/9: Giá vàng giằng co, 'run' vì Fed, SJC rời xa mốc quan trọng, yếu tố nào thúc đẩy nhà đầu tư mua vàng? (Nguồn: NDTV)

Diễn biến giá vàng hôm nay 15/9

Giá vàng thế giới đã rơi thẳng đứng, về sát ngưỡng 1.700 USD/ounce, cuốn bay lợi nhuận nhiều phiên tăng giá sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ dập tắt kỳ vọng của nhà đầu tư về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021.

Nếu loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm biến động, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát của Mỹ trong tháng 8 đã vượt dự báo của giới quan sát. Các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát cho rằng CPI sẽ giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá năng lượng giảm 5% trong tháng 8, kéo chỉ số giá xăng lao dốc 10,6%. Tuy nhiên, giá thực phẩm và chi phí ở tăng lần lượt 0,8% và 0,7%.

Giá dịch vụ chăm sóc y tế cũng tăng mạnh 5,6% so với năm ngoái. Giá xe đã qua sử dụng giảm nhẹ, nhưng giá xe mới tăng 0,8% so với tháng 7.

Đến 20h ngày 14/9, giá vàng tăng sau sự sụt giảm của đồng USD, dù mức tăng bị giới hạn phần nào bởi kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Theo ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.706,5 - 1.707,5 USD/ounce, tăng 4,7 USD.

Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này giảm 0,3%. Điều này giúp vàng ít đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Trong nước, cùng đà giảm với giá vàng thế giới, SJC giảm mạnh và mất mốc 67 triệu đồng.

Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 13/9:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,10 – 68,10 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,80 – 66,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,00 – 66,80 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,00 – 66,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết ở 66,11 – 66,79 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 50,88 – 51,63 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 50,35 – 51,45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng "run" vì Fed?

Mike Loewengart tại Morgan Stanley nhận định, báo cáo CPI của Mỹ là lời nhắc nhở rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn phải đi một chặng đường dài để lạm phát hạ nhiệt. Có thể còn quá sớm để hy vọng rằng, lạm phát đang hạ nhiệt và Fed sẽ "nhẹ tay ga".

Ông Ilya Spivak, chiến lược gia tiền tệ tại chuyên trang tài chính DailyFX cho biết, những con số lạm phát mạnh hơn dự báo đã củng cố khả năng Fed tăng mạnh lãi suất tại cuộc họp tuần tới.

Theo chuyên gia Spivak, một Fed theo xu hướng “diều hâu” có thể khiến vàng giảm đáng kể, thậm chí xuống dưới mức 1.600 USD/ounce.

Các số liệu mới nhất dấy lên kỳ vọng, Fed có thể tăng chi phí đi vay nhanh hơn và xa hơn so với dự kiến trước đó. Một số người thậm chí còn dự đoán mức tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Mặc dù vàng được coi là một “hàng rào” chống lại lạm phát, lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ông Harshal Barot, chuyên gia tư vấn cao cấp về Nam Á tại công ty nghiên cứu thị trường Metals Focus nhận thấy, vẫn còn yếu tố thúc đẩy mua vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Theo ông, thị trường đã duy trì mức 1.680 USD/ounce trong một thời gian dài; đó là mức tâm lý và kỹ thuật quan trọng đối với kim loại quý này. Giới đầu tư sẽ không dễ dàng để tuột mất mức đó.