Giá sầu riêng neo ở mức cao, người dân Tây Nguyên phấn khởi thu hoạch 'trái cây tỷ đô'

Là địa phương chịu ảnh hưởng gay gắt khi hứng chịu từ hiện tượng nóng lên toàn cầu (El Nino). Tuy nhiên, bằng nhiều phương pháp chăm sóc bài bản, chú trọng kỹ thuật, tiết kiệm nguồn nước… Người dân Tây Nguyên vẫn đang vô cùng phấn khởi khi đến mùa thu hoạch giá sầu riêng bán ra vẫn được neo ở mức cao.

Giá sầu riêng neo cao, người dân phấn khởi

Đắk Lắk nổi lên khi là một trong những tỉnh trồng sầu riêng nhiều nhất cả nước khi diện tích trồng lên đến khoảng 35.000 hecta, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn trong năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đến hết quý 1/2024 đạt gần 253 triệu USD (57.000 tấn), tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Vườn trái cây nhà anh Trần Thế Hoàng đang chuẩn bị được thương lái đến thu muaVườn trái cây nhà anh Trần Thế Hoàng đang chuẩn bị được thương lái đến thu mua (Ảnh: Sông Trường)

Đắk Lắk hiện có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số với tổng diện tích khoảng 2.521ha; có 23 mã cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, hiện đang có khoảng 147 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 3.500ha và 3 cơ sở đóng gói đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra để cấp mã số.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm giá thu mua sầu riêng, thương lái thu mua trên 55.000 đồng đối với loại Ri6, với sầu riêng Dona tại vườn được thu mua với giá gần 90.000 đồng/kg.

Anh Trần Thế Hoàng, người dân ở thôn Ea Ksô, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Tôi đầu tư trồng sầu riêng Dona đã được 7 năm với diện tích hơn 3 hecta, năm nay sản lượng đạt khoảng 20 tấn.

Vừa rồi tôi đã ký hợp đồng với thương lái với giá 90 ngàn đồng/kg, thu mua thuận lợi sẽ thu về khoảng 1,8 tỷ đồng, trừ đi khoản chi phí đầu tư ban đầu lợi nhuận đạt khoảng 1,3 tỷ đồng”.

Kho chứa sầu riêng của anh Nguyễn Trọng PhongKho chứa sầu riêng của anh Nguyễn Trọng Phong (Ảnh: Sông Trường)

Anh Nguyễn Trọng Phong, thương lái thu mua sầu riêng ở địa bàn các huyện Ea H’leo, Krông Búk cho biết: “Năm nay, dù chịu ảnh hưởng từ nắng nóng, hạn hán kéo dài song bằng nhiều phương pháp chăm sóc bài bản người dân khu vực Ea H’leo, Krông Búk vẫn bảo vệ thành công sản lượng cho cây sầu riêng, trung bình mỗi cây sầu riêng cho thu từ 1,5 đến 2 tạ.

Giá sầu riêng vẫn luôn được neo ở mức từ 80 – 90 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng Dona, thế nên nhiều hộ dân vẫn chưa chốt bán cho thương lái vì hy vọng giá sầu riêng vẫn sẽ tăng”.

Lâm Đồng với tổng diện tích trồng sầu riêng là 21.147 ha; trong đó, diện tích thu hoạch 11.554 ha và dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 135.000 tấn.

Toàn tỉnh hiện được cấp 116 mã số vùng trồng với tổng diện tích 5.597,13 ha; trong đó, 114 vùng trồng sầu riêng với diện tích 5.489,13 ha, có 10 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu với tổng diện tích nhà xưởng 13.519 m2 và công suất tối đa 755 tấn/ngày…

Theo ghi nhận, cùng thời điểm giá thu mua sầu riêng được các doanh nghiệp và thương lái thu mua ở mức trên 70.000 đồng/kg đối với sầu riêng Dona và trên 55.000 đồng đối với loại Ri6. Đặc biệt, giá sầu riêng Dona tại vườn được được thương lái thu mua với giá trên 80.000 đồng/kg.

Nhiều người dân trên địa bàn các xã Phước Lộc, xã Hà Lâm, xã Đoàn Kết… thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng (địa bàn đang thu hoạch rộ sầu riêng) khẳng định: Với giá sầu riêng như hiện nay, không ít gia đình có doanh thu cao góp phần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Thách thức bền vững cho “trái cây tỷ đô”

Giá sầu riêng giữ ở mức cao, ổn định khiến người nông dân phấn khởi. Nhưng cũng vì lý do đó, nhiều hộ dân hiện đang canh tác tiêu, cà phê, cao su, bơ… trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô phá bỏ các loại nông sản khác để trồng sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay sầu riêng đang tạo “cơn sốt” tại khu vực Tây Nguyên, bởi lẽ lợi nhuận kinh tế từ loại cây này đem lại rất cao.

Tuy nhiên, tình trạng mở rộng diện tích ồ ạt, phát triển tự phát, số lượng chưa đi cùng chất lượng… đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp kịp thời để phát triển bền vững ngành sầu riêng.

Sầu riêng nhà anh Hoàng Hải thuộc xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm ĐồngSầu riêng nhà anh Hoàng Hải thuộc xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Sông Trường)

Việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng.

Nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không duy trì chất lượng, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hoá trước khi xuất khẩu. Sử dụng chất kích thích tăng trưởng, lạm dụng phân bón hóa học, dẫn đến ảnh hưởng tới sự phát triển và chất lượng sầu riêng…

Tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; “tranh mua, tranh bán”, chốt giá sớm, “bẻ cọc” hợp đồng... dẫn đến khó phát triển ngành hàng bền vững.

Từ những thực tế trên, các sở ban ngành cần ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý về giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng mã số vùng trồng...

Sông Trường