Giá cà phê hôm nay 18/4: Nghịch lý thị trường cà phê; kỳ vọng tăng trở lại nhờ thời tiết Brazil

Theo ICO, giá cà phê thế giới giảm sau 17 tháng tăng liên tiếp, với mức giảm 7,6% so với tháng trước, đạt bình quân 194,8 US Cent/lb. Tuy nhiên, sản lượng cà phê toàn cầu cũng được dự báo sẽ thâm hụt 3,1 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Giá cà phê hôm nay 18/4: Kỳ vọng tăng giá
Giá cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 16/4). (Nguồn: doanhnhan.biz)

Giá cà phê hôm nay 18/4

Sau tuần giảm đáng kể, giá cà phê ít biến động trong dịp nghỉ lễ Phục Sinh vừa qua. Hôm nay (ngày 18/4), sàn giao dịch London đóng cửa nghỉ cả ngày, sàn New York mở cửa trễ.

Các chuyên gia dự đoán, giá cà phê thế giới sau kỳ nghỉ lễ sẽ phục hồi trở lại. Thị trường vượt qua được giai đoạn ngày kết thúc hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5 sẽ tăng mua. Nhà đầu cơ gom hàng trở lại khi thông tin về tình hình thời tiết không mấy tốt tại các vùng trồng cà phê của Brazil được phát đi. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, giá tăng chỉ bền khi thời tiết đúng như dự báo, ngược lại, giá cà phê ngay lập tức chịu áp lực trở về mức thấp.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 15/4), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục điều chỉnh giảm, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 4 USD (0,19%), giao dịch tại 2.087 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 6 USD (0,29%) giao dịch tại 2.099 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 1,45 Cent (0,64%), giao dịch tại 223,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 1,4 Cent/lb (0,62%), giao dịch tại 223,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 16/4).

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.140

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

41.000

- 100

LÂM ĐỒNG

40.400

- 100

GIA LAI

40.900

- 100

ĐẮK NÔNG

40.900

- 100

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), chỉ số giá cà phê toàn cầu trong tháng 3 đã giảm lần đầu tiên sau 17 tháng tăng liên tiếp với mức giảm 7,6% so với tháng trước, đạt bình quân 194,8 US Cent/lb. Trong tháng, mức giá thấp nhất ghi nhận được là 186,9 US Cent/lb vào ngày 15/3 và cao nhất glà 202 US Cent/lb vào ngày 1/3.

Trên sàn kỳ hạn New York, giá cà phê arabica giảm 9,4% so với tháng trước, xuống còn 222,4 US Cent/lb. Tương tự, giá cà phê robusta kỳ hạn tại London giảm 5,3% xuống 95,2 US Cent/lb.

Bên cạnh đó, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York vào cuối tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm vào tháng trước đó, với mức tăng 13,9% từ 1,1 triệu bao lên 1,2 triệu bao. Tồn kho cà phê robusta cũng tăng 5,8%, lên mức 1,6 triệu bao so với 1,5 triệu bao của tháng trước.

Mặc dù thị trường xuất hiện những diễn biến mới nhưng ICO vẫn giữ nguyên dự báo triển vọng thị trường cà phê thế giới.

Theo đó, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến đạt tổng cộng 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ 2020-221. Trong đó, sản lượng cà phê arabica đạt gần 94 triệu bao, giảm 7,1% so với niên vụ trước. Trái lại, sản lượng cà phê robusta dự kiến tăng 5,1% lên mức 73 triệu bao.

Cũng theo ICO, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến đạt 170,3 triệu bao, tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ trước. Do đó, thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ này, trái ngược với mức thặng dư gần 6 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.

Sự sụt giảm này chủ yếu là do nhà sản xuất số một thế giới là Brazil, đã thu hoạch một vụ mùa không dồi dào như mong đợi. Tuy nhiên, tình hình cung cầu có thể thay đổi do kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, chi phí đầu vào và sản xuất tăng, trong khi tiêu thụ giảm do cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.