Theo Bộ NN&PTNT, mưa lũ và ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Riêng mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp rất nặng nề chưa thể thống kê hết được.

Bộ NN&PTNT cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo, ứng phó vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Theo đó, việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ và sau bão dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Đề xuất lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất, lũ quétĐề xuất lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất, lũ quét

Vẫn còn tình trạng một số người dân chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người. Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, tái định cư hay công tác chỉ đạo ứng phó.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất thời gian tới cần tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.

"Khẩn trương rà soát, sửa đổi các bất cập trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình (thời gian mùa lũ, quy định về tích nước sớm, quy định, quy trình trong tình huống khẩn cấp). Củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa. Vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói.

Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở tại khu vực miền núi, theo PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất cho biết, các địa phương cần có được bản thống kê tới cấp thôn bản ở miền núi số lượng các mái dốc, các con suối có nguy cơ gây ra sạt lở. Có thể làm được điều này nhờ việc xây dựng các bản đồ đánh giá nguy cơ sạt lở ở địa phương với tỷ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000. Các tấm bản đồ này sẽ chỉ ra được từng mái dốc, từng con suối có nguy cơ xảy ra thiên tai, rủi ro của từng ngôi nhà khi thiên tai ập đến.
Theo TS Trịnh Hải Sơn Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, để phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam, trước hết, cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá.

Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá theo tỷ lệ 1:50.000 giúp khoanh định các “khu vực nhạy cảm” về trượt lở đất đá; áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối.

Việc áp dụng các tiêu chí nêu trên giúp phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã lập được danh sách với tỷ lệ 1:10.000; đồng thời, lập được danh sách các khu vực có khả năng ảnh hưởng các công trình trọng điểm ở tỷ lệ 1:5.000. Các khu vực nhạy cảm được thể hiện ở 3 mức độ khác nhau từ cao, trung bình, thấp và là cơ sở khoa học cụ thể để cảnh báo sớm trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Điều này là tối cần thiết và không bao giờ được coi là muộn để tiến hành.

Thiên Trường