Covid-19 sáng 18/12
Ngày 17/12, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viên Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại. (Nguồn: )

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.508.473 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.297 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.503.003 ca, trong đó có 1.092.701 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tính từ 16h ngày 16/12 đến 16h ngày 17/12, Việt Nam ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 15.215 ca ghi nhận trong nước (giảm 52 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.836 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.326 ca/ngày.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/12: 31.057 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 1.095.518 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.912 ca.

Từ 17h30 ngày 16/12 đến 17h30 ngày 17/12 ghi nhận 246 ca tử vong; trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 243 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.103 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

13 nữ công nhân ở Hà Nam mắc Covid-19, chưa rõ nguồn lây

Chiều tối 17/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 25 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đáng lưu ý là chùm ca bệnh mới gồm 13 bệnh nhân làm việc tại Công ty TNHH JY Hà Nam chưa rõ nguồn lây.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam yêu cầu chủ các nhà máy, xí nghiệp, công ty chủ động xét nghiệm tầm soát đối với những trường hợp có nguy cơ cao.

Tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện bổ sung kế hoạch phòng chống dịch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất phù hợp theo từng cấp độ dịch.

Sau gần 3 tháng bùng phát đợt dịch mới, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.567 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. Trong số đó có 331 F0 ghi nhận tại các khu công nghiệp và công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Hà Nội vận hành cơ sở điều trị F0 thể nhẹ tại Ký túc xá ĐH Thủy Lợi

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn cho biết, trước thực trạng số ca F0 tăng nhanh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận đã đưa vào vận hành cơ sở thu dung, điều trị thể nhẹ với quy mô 600 giường tại Ký túc xá trường Đại học Thủy Lợi.

Ông Tuấn cũng thông tin, hiện nhân lực phục vụ là 57 người gồm các lực lượng y tế, quân đội, công an. Ngoài ra, còn có 11 người là nhân viên y tế huy động từ các bệnh viên, cơ sở y tế.

Tổng mức đầu tư trang thiết bị, vật tư ban đầu để thành lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Đại học Thủy lợi trước khi chuyển đổi mục đích thành cơ sở thu dung điều trị F0 là hơn 2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 14/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Đống Đa đã tổ chức vận hành trạm y tế lưu động đặt tại khu Ký túc xá Trường Đại học Thủy lợi. Lực lượng chức năng khẩn trương dọn dẹp lại toàn bộ phòng để chuẩn bị đón F0 đến điều trị.

Hiện cơ sở thu dung điều trị F0 đang được Ban Chỉ huy quân sự quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý và vận hành. Lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho biết, hiện số bệnh nhân đang được tiếp nhận điều trị là 98 người.

Covid-19 sáng 18/12
Hiện cả nước còn hơn 7.900 bệnh nhân Covid-19 nặng. (Nguồn: DT)

Hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại

Ngày 17/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viên Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại (mũi 3 và mũi 4).

Về việc tiêm liều bổ sung, sẽ áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine).

Cụ thể gồm:

- Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

- Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.

Vaccine được sử dụng là vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Khoảng cách: tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

Với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Việc tiêm liều nhắc lại cũng được áp dụng với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Loại vaccine:

- Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA.

- Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.

- Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine AstraZeneca).

Khoảng cách: tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Đối với những người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

Sở Y tế tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12 căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Bộ Y tế nói gì về việc TPHCM xin hỗ trợ khẩn 3.000 nhân viên y tế?

UBND TPHCM mới đây có văn bản khẩn kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Hiện nay dịch tại TPHCM có dấu hiệu gia tăng, tỷ lệ F0 nặng ở mức cao. Cụ thể, TP kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm 1.000 bác sĩ, trong đó có 300 bác sĩ có chuyên môn hồi sức cấp cứu, 2.000 điều dưỡng, trong đó có 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi đang làm việc cụ thể với TPHCM về nguồn nhân lực hỗ trợ cụ thể cần bao nhiêu bác sĩ, điều dưỡng, hỗ trợ tầng nào. Bộ chỉ có thể cử lực lượng chi viện hỗ trợ tầng 3, còn phía cơ sở TP cần có sự điều chỉnh cho phù hợp".

Cũng theo Thứ trưởng Sơn, không chỉ TPHCM mà nhiều địa phương cũng kiến nghị Bộ Y tế cử lực lượng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhân lực của Bộ cũng có hạn, chỉ có thể hỗ trợ ở tầng cao nhất.

"Các địa phương có khó khăn, vướng mắc gì, Bộ sẽ cố gắng hỗ trợ trong khả năng. Như TP Hà Nội, Bộ cũng đã cho phép sử dụng test nhanh kháng nguyên để xác định ca mắc Covid-19", Thứ trưởng nói.

Trước đó, cuối tháng 11, Bộ Y tế đã phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại 11 tỉnh, thành phố như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang… Đầu tháng 12, Bộ tiếp tục phân công Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Hiện nay, số mắc Covid-19 đang gia tăng tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Điều đó khiến Bộ Y tế phải điều phối nhân lực từ các bệnh viện trung ương đến nhiều địa bàn, thay vì chỉ tập trung chủ yếu cho TPHCM và các tỉnh phía Nam như trước đó.