Lập kế hoạch tài chính cá nhân
Nhiều người thường gặp các vấn đề về tiền bạc, bởi họ không có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Kết quả là chưa hết tháng đã hết tiền, trong khi những mục tiêu quan trọng vẫn chưa đạt được, thậm chí nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn vay nợ, "giật gấu vá vai".
Do đó, mỗi người nên lập ra kế hoạch tài chính cá nhân cho bản thân, trong đó có những việc ưu tiên cần làm trước, những việc cần làm trong tương lai để có động lực tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý.
Ví dụ, mục tiêu ngắn hạn là mua máy tính xách tay, mua trả góp chiếc xe máy, hoặc đi du lịch... Mục tiêu dài hạn có thể là mua một căn nhà, lên ý tưởng đầu tư, kinh doanh... để sinh lời. Khi xác định được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, bạn sẽ có kế hoạch tài chính rõ ràng giúp dễ dàng đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Ngoài ra, mọi người cũng cần trích lập một khoản dự phòng rủi ro, đề phòng những lúc không may, có thể ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế...
Chọn kênh đầu tư an toàn
Khi có một khoản tích lũy, nhiều người nghĩ đến phương án đầu tư để sinh lời. Theo Chuyên gia Kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng, trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mọi người có thể chọn kênh đầu tư an toàn để duy trì an toàn vốn, tránh khủng hoảng tài chính. Hiện, các kênh đầu tư an toàn có thể kể đến như mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm và đầu tư vàng... Những kênh đầu tư này có mức lãi suất không cao, nhưng vẫn là những kênh trú ẩn tài chính an toàn nhất.
Đối với vàng, mọi người nên nắm giữ dài hạn, từ một năm trở lên, vì đầu tư vàng trong ngắn hạn thường tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Còn trái phiếu doanh nghiệp, mọi người nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành uy tín, có chất lượng tài sản tốt và có tài sản đảm bảo.
Trang bị kiến thức cơ bản
Hiện có rất nhiều kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số... nhưng lợi nhuận cao thường đi kèm rủi ro. Do đó, nếu đầu tư hoặc kinh doanh thì cần có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực muốn tham gia đầu tư, không nên đầu tư theo cảm tính.
Ông Khánh cũng khuyến nghị là cần tìm hiểu hoặc có một khoá học cơ bản, không cần quá chuyên nghiệp nhưng phải có kiến thức nền tảng nhất định, giúp nhận biết rủi ro, các dấu hiệu lừa đảo, các quỹ tín dụng đen không được cấp phép bởi cơ quan Nhà nước và tránh rơi vào khủng hoảng kép. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, không nên dồn tất cả tài sản của mình để tham gia đầu tư, kinh doanh hoặc phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy.
Gạt bỏ lòng tham
"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Khó khăn khiến nhiều người thêm trăn trở về tài chính, thúc đẩy nhu cầu mong muốn kiếm lời càng nhanh càng tốt, từ đó dễ bị sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo thông qua các hình thức kêu gọi đầu tư một vốn mười lời vào những dự án khống, những dự án lừa đảo, thậm chí các kênh đầu tư có nhiều người nổi tiếng quảng bá... Tất cả đều đánh vào lòng tham của con người. Đến khi những sự vụ vỡ lở ra, nhiều người mất trắng, lúc đó chỉ biết tự trách mình", ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro. Vì vậy, nếu muốn duy trì an toàn tài chính, mọi người cần gạt bỏ tư duy kiếm tiền dễ và nhanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuấn Thủy
vnexpress