PV: Thưa bà, bước qua quý III/2021, là lãnh đạo của một doanh nghiệp bất động sản, bà nhìn nhận như thế nào về tình hình các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua?

Bà Thanh Hương: Ba quý đầu năm 2021, đặc biệt là quý III năm nay, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đều gánh chịu nhiều thiệt hại nặng do bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong quý III vừa rồi, hầu hết các dự án của doanh nghiệp địa ốc đều phải trì hoãn, công tác hậu cần làm việc văn phòng cũng phải đóng cửa do Chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ.

Mức chi gần như không giảm nhưng nguồn thu lại hạn chế khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao. Những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh thì khả năng “sinh tồn” chắc chắn vẫn còn, thậm chí đây là thời gian tốt cho nhiều doanh nghiệp tập trung chuẩn bị nguồn cung. Ngược lại, với những doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn yếu, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng thì việc xoay sở trả lãi vay cũng là một gánh nặng.

Do vậy, thời điểm các chính sách nới lỏng, nền kinh tế dần được “mở cửa” là điều kiện tốt mà người dân và doanh nghiệp cả nước, đặc biệt là TP.HCM chờ đợi bấy lâu.

bđs Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đều gánh chịu nhiều thiệt hại nặng do bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh minh hoạ)

PV: Trước nhiều “tổn thương” từ bối cảnh dịch bệnh. Liệu sang quý IV/2021, doanh nghiệp bất động sản có sẵn sàng cho tâm thế bật dậy, hồi phục và phát triển?

Bà Thanh Hương: Tâm thế bật dậy, hồi phục và phát triển chắc chắn sẽ có ở mọi doanh nghiệp bất động sản. Ba quý đầu năm đã kéo mức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp đến “bờ vực”, vì vậy không có lý do gì khi nền kinh tế tái khởi động, doanh nghiệp lại “nằm yên”.

Nhìn vào khả năng hồi phục, các doanh nghiệp bất động sản sẽ đạt khoảng 50% trong quý IV/2021. Thời gian để kích hoạt trở lại là khoảng từ 1 – 3 tháng sau đó.

Với các doanh nghiệp tiềm lực, khi bước sang quý IV, họ đều sẵn sàng nguồn cung để bung ra thị trường. Thậm chí, họ sẽ tăng tốc chạy để bù lại những “tổn thương” từ quý III vừa qua.

Bởi trong quý III, dù các hoạt động giao dịch không được diễn ra nhưng nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn còn đó. Do đó, quý IV là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp quay trở lại bán hàng, đáp ứng nguồn cung cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khác nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Việc kiểm soát dịch bệnh tại thời điểm này đang ở giai đoạn hạn chế từng bước, vẫn còn nhiều nguy cơ lây lan, đòi hỏi việc mở cửa phát triển vẫn phải đề cao thận trọng.

PV: Vậy các doanh nghiệp bất động sản cần chuẩn bị những gì trong tình hình “bình thường mới” với bối cảnh “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, thưa bà?

Bà Thanh Hương: Các tỉnh, thành phố trên cả nước dần mở cửa, dừng hoạt động giãn cách xã hội, có nhiều giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế tái khởi động. Vì vậy các doanh nghiệp bất động sản cũng không nằm ngoài bối cảnh chung.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này vừa phát triển vừa chống dịch, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy và có sự chuẩn bị chu đáo.

Chị Hương Bà Nguyễn Thanh Hương - CEO Đại Phúc Land.

Đầu tiên, các doanh nghiệp bất động sản mở cửa hoạt động nhưng phải thiết lập quy trình an toàn lao động, chống dịch hiệu quả, như việc xét nghiệp định kỳ hay đảm bảo người lao động phải tiêm đủ hai mũi vaccine.

Thứ hai, khi quay trở lại hoạt động sau nhiều tháng giãn cách, các doanh nghiệp bất động sản thường rất khó khăn ở vấn đề nhân công. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp liên quan đến công trình xây dựng. Suốt nhiều tháng phong tỏa, công nhân không có việc làm, đời sống không đảm bảo khiến nhiều bộ phận bỏ về quê. Vì vậy, ngay khi “bình thường mới” sẽ dễ thiếu hụt lượng lớn người lao động phổ thông tại các công trình. Do đó, doanh nghiệp nên đảm bảo chuẩn bị tốt nguồn nhân lực.

Thứ ba, theo tôi chủ đầu tư nên nhanh chóng triển khai các chương trình chào bán sản phẩm trong quý IV sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi. Bởi nhu cầu tìm mua bất động sản là luôn có và đạt mức cao, do đó các chương trình cháo bán sẽ rất hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên nguồn cung sản phẩm thị trường hiện nay chỉ tập trung ở một số chủ đầu tư và các dự án có quy mô lớn, dài hạn. Nguồn cung sơ cấp trong ngắn hạn vẫn hạn chế do việc triển khai các thủ tục pháp lý dự án tiếp tục kéo dài. Giao thương giữa các tỉnh vẫn còn khó khăn nên thời gian khởi động các dự án ở các tỉnh sẽ không có lợi thế bằng dự án nội đô.

PV: Dịch bệnh đã ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu tìm mua bất động sản của khách hàng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở. Bà nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Bà Thanh Hương: Đúng là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch, thị yếu nhà đầu tư bất động sản đã có những thay đổi nhất định. Đơn cử, người mua nhà sẽ ưu tiên các tiêu chí về một căn hộ đảm bảo sức khỏe hơn là một căn hộ giá rẻ. Thay vì chọn nơi có mật độ đông đúc như trước đây thì bây giờ, xu hướng ưu tiên không gian sống, chất lượng cuộc sống tốt sẽ được đặt lên hàng đầu.

Nhưng dù hoàn cảnh thay đổi, nhu cầu thay đổi, xu hướng thay đổi, các doanh nghiệp vẫn phải tiến, vì nó quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp. Bất cứ doanh nghiệp nào muốn sống bền, sống tốt cần phải thích ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới một cách nhanh nhạy, kịp thời. Do đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản khẳng định mình trong hành trình nắm bắt xu hướng người tiêu dùng.

bđs Giao thương giữa các tỉnh còn khó khăn nên thời gian khởi động dự án ở các tỉnh sẽ không có lợi thế bằng dự án nội đô. (Ảnh minh hoạ)

Hơn hết, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh, vì vậy theo tôi, doanh nghiệp nên đưa ra các kịch bản dài hạn, ngắn hạn để duy trì hoạt động của mình.

Hiện Đại Phúc Land của chúng tôi cũng đã triển khai các kế hoạch đầu tư phát triển dự án phù hợp với từng lộ trình. Khi có những thay đổi, kế hoạch cũng sẽ thay đổi để thích ứng nhanh chóng tuy nhiên vẫn phải đảm bảo một lộ trình dài hạn từ 3 đến 5 năm.

PV: Dự báo kịch bản trong thời gian tới, theo bà nhu cầu săn đón cũng như đầu tư bất động sản ở quý IV/2021 sẽ diễn biến ra sao?

Bà Thanh Hương: Ở phân khúc nhà ở, vẫn có những nhu cầu và sự quan tâm ổn định. Đặc biệt là lượng khách hàng có nhu cầu thực, mua để ở khá cao. Bất chấp dịch, đây sẽ là nhu cầu dài hạn đảm bảo là một thị trường nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản quan tâm.

Với các phân khúc khác, tuỳ vào diễn biến dịch bệnh mà khả năng hồi phục và nhu cầu săn đón khác nhau. Tuy nhiên, tôi tin rằng, mỗi phân khúc vẫn sẽ có một lượng cầu nhất định, đảm bảo cho thị trường bắt nhịp nhanh chóng trong quý IV/2021./.