Ảnh minh hoạ

Nhận thấy tầm quan trọng của nhóm khách hàng này, ngành ngân hàng đang bắt đầu đẩy tăng các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho cả doanh nghiệp lẫn chủ doanh nghiệp.

Chẳng hạn OCB cho biết, trong suốt năm 2021 sẽ ưu đãi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có doanh thu từ 400 tỷ trở xuống, do nữ làm chủ hoặc quản lý với các dịch vụ như: mở tài khoản số đẹp miễn phí, miễn phí chuyển khoản qua hệ thống OMNI Corp, giảm 50% phí phát hành bảo lãnh, lãi vay vốn chỉ từ 7,5%/năm. 

Với các nữ chủ doanh nghiệp ngân hàng cộng thêm 0,2% lãi suất tiền gửi tiết kiệm, tặng thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng tín chấp ưu đãi, miễn phí chuyển khoản và hạn mức giao dịch tới 5 tỷ đồng...

Trước đó, ngày 22/12/2020, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ của Việt Nam.

Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD được trích từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-FI), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ Việt Nam làm chủ đang bị dịch COVID-19 làm suy yếu khả năng tiếp cận tài chính.

Khoản viện trợ này sẽ tài trợ cho dự án Cứu trợ COVID-19 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, với mục tiêu khuyến khích các ngân hàng tham gia ở Việt Nam tái cơ cấu những khoản vay hiện thời hoặc mở rộng các khoản vay mới cho ít nhất 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Đến nay, đã có 5 ngân hàng tình nguyện tham gia chương trình này, gồm NHTMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), NHTMCP Tiên Phong, và NHTM Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Ánh Dương

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị