Chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh sau cú sập mạnh cuối tuần

Các đơn vị phân tích dự báo thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời trong các phiên đầu tuần sau, nhà đầu tư có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá tiêu cực trong tuần 29/11-3/12 do những lo ngại về sự lây lan của biến chủng Omicron trên toàn cầu. VN-Index ghi nhận 4 phiên giảm điểm và chỉ một phiên tăng nhẹ.

Độ rộng thị trường phản ánh áp lực chốt lời mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, bên cạnh đó nhóm bluechip cũng bị bán mạnh khi thanh khoản trong những phiên vừa qua sụt giảm khiến độ biến động gia tăng.

Đáng chú ý với phiên lao dốc đến 39 điểm phiên cuối tuần, mức giảm cao nhất gần 4 tháng, đã khiến thị trường gần như xóa sạch thành quả đạt được trong một tháng vừa qua khi VN-Index quay về bằng điểm khởi đầu của tháng 11.

Tính chung cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng gần 50 điểm (3,33%) xuống còn 1.443,32 điểm. Tương tự khi HNX-Index giảm 2,04% về 449,27 điểm và UPCoM-Index giảm 1,95% xuống 112,11 điểm.

Thanh khoản thị trường dù giảm so với tuần trước đó vẫn duy trì ở mức rất cao. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân giảm 7,7% về gần 34.000 tỷ đồng/phiên.

Việc thị trường diễn biến tiêu cực khiến giá trị vốn hóa trên các sàn chứng khoán giảm mạnh. Riêng quy mô niêm yết tại sàn lớn nhất HoSE rơi về mức 5,62 triệu tỷ đồng, tương đương giảm 3,17% (gần 184.000 tỷ đồng - hơn 8 tỷ USD) so với tuần trước.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng gây tác động xấu khi tiếp tục chuỗi bán ròng mạnh với giá trị hơn 3.300 tỷ đồng trên các sàn niêm yết.

Du bao chung khoan,  chung khoan tuan moi,  ap luc chot loi anh 1

Diễn biến VN-Index trong tuần 29/11-3/12. Đồ thị: TradingView.

Với diễn biến thiếu khả quan từ tuần trước cùng tâm lý lo ngại về biến chủng Omicron lan rộng trên toàn cầu, các đơn vị phân tích đang đưa ra quan điểm khá thận trọng về diễn biến thị trường trong tuần mới 6-10/12.

Chứng khoán Asean dự báo VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.430-1.440 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.410-1.420 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Chứng khoán Đông Á tin rằng ngoài sự ảnh hưởng của thị trường thế giới và tin tức dịch bệnh làm kích hoạt lệnh bán, thì việc điểm số thị trường giằng co suốt một tháng qua cũng làm nhà đầu tư cá nhân, vốn quen đầu tư trong sóng tăng giá nhanh trước đó, nay mất kiên nhẫn muốn thoát hàng mạnh hơn.

Nhà đầu tư khó tìm cơ hội lợi nhuận ngắn hạn trong thị trường khi xu thế bán có thể còn tiếp diễn, hạn chế bắt đáy trong nhịp hồi kỹ thuật, nên giữ sức mua tài khoản và xem xét cơ cấu danh mục đầu tư hướng đến trung hạn khi mặt bằng giá cổ phiếu có mức hấp dẫn hơn.

Chứng khoán BSC cho rằng VN-Index sẽ cần thời gian tìm điểm cân bằng mới với ngưỡng hỗ trợ lần lượt tại 1.420 điểm và 1.380 điểm trong ngắn hạn. Trạng thái margin ổn định và thông tin mới về gói hỗ trợ kinh tế đang được đề xuất 445.000 tỷ đồng vẫn là những cột trụ giúp thị trường trụ vững

Chứng khoán MB nhận định bối cảnh hiện tại dòng tiền đang suy giảm, khả năng thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời ở 1 đến 1,5 phiên ở các phiên đầu tuần sau và dòng tiền sau đợt giảm này có khả năng sẽ quay lại nhóm cổ phiếu bluechip.

Theo quan điểm của VDSC, nhiều khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.430-1435 điểm và hồi phục kỹ thuật với vùng cản gần 1.465 điểm. Do vậy, nhà đầu nên tạm ngưng “bán tháo” nếu danh mục không quá rủi ro và chờ nhịp hồi phục để đánh giá lại trạng thái thị trường và đưa ra hướng điều chỉnh danh mục cho hợp lý.

Yuanta Việt Nam nhận định thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực, do đó nếu đà giảm tiếp tục diễn ra ở phiên giao dịch đầu tuần thì rủi ro ngắn hạn có thể tăng mạnh và chỉ số VN-Index có thể sẽ xuyên thủng đường trung bình 50 ngày. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh trong vùng bi quan cho thấy chiến lược ngắn hạn chủ đạo vẫn là giảm tỷ trọng cổ phiếu.

HUY LÊ