Thời thơ ấu là khoảng thời gian mà trẻ có thể rèn luyện cho mình được rất nhiều các kỹ năng quản lý bản thân như lên kế hoạch, kiểm soát cảm xúc, sự kiên trì và nhiều hơn thế nữa. Cách một đứa trẻ được nuôi dưỡng sẽ có tác động lớn đến việc chúng có phát triển tốt các kỹ năng điều hành này khi trưởng thành hay không. Dưới đây là một số cách thức bạn có thể thực hiện để giúp con hình thành và phát triển những điều trên.
1. Hình thành các thói quen
Các thói quen hàng ngày có thể giúp thiết lập kỉ luật và khả năng dự đoán. Trẻ em (và người lớn) được hưởng lợi từ những thói quen tốt hàng ngày. Ví dụ, vào buổi sáng, một số thói quen tốt cần được tạo ra ở trẻ là mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, đi giày, chải đầu và chuẩn bị ba lô. Dọn dẹp lại giường ngủ, dọn phòng và các công việc nhà khác cũng là những công việc hàng ngày tốt để thêm vào thói quen nếu con bạn chưa làm.
2. Tạo ra khoảng thời gian cố định cho việc làm bài tập về nhà sau giờ học
Hầu hết trẻ em không đi học về và quyết định bắt đầu làm bài tập về nhà. Nhưng đó là một điều cần thiết mà cả bố mẹ và con cái đều nhận thức được. Nếu con bạn tự giác làm điều này, thì bạn cần tuyên dương sự tự giác của con nhiều hơn thế. Hầu hết trẻ em phải được nhắc nhở về việc làm bài tập về nhà, đặc biệt là trong những ngày đầu đi học.
Tập cho con bạn thói quen làm bài tập về nhà sớm hơn sẽ giúp rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch. Đừng để con bạn cho phép bản thân đợi đến 11 giờ đêm vào tối Chủ nhật để bắt đầu một báo cáo về cuốn sách mà họ phải bắt đầu nghiên cứu từ một tuần trước đó. Khi ấy, con của bạn sẽ trở thành một người trì hoãn mất kiểm soát và chẳng ai mong muốn điều này. Vì vậy, hãy bắt đầu dạy con các kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian ngay từ sớm, và bạn cũng sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.
3. Đặt ra quy tắc
Các quy tắc là xương sống của một gia đình. Nếu trẻ không biết mấy giờ phải về nhà, dự kiến làm công việc gì và khi nào nên đi ngủ, thì chúng chưa học được kỹ năng lập kế hoạch trong nhà.
Trẻ em cần các quy tắc được đặt ra rõ ràng, bởi chúng chưa thể là một người có kỷ luật khi không có một luật lệ nào để làm theo. Điều này không có nghĩa là chúng phải quá khắt khe với thời gian của mình. Tuy nhiên, có những điều cần được truyền tải rõ ràng đến từng thành viên trong gia đình để không ai cảm thấy khó chịu.
Đặt ra các quy tắc rõ ràng như không mang giày trong nhà, không la hét trong nhà, không ăn trong phòng khách, v.v. có thể giúp trẻ hiểu về khuôn khổ tự do của bản thân. Điều này giúp con phát triển khả năng kiểm soát mong muốn của mình khi chúng học được những điều gì được mong đợi.
4. Chia nhỏ các nhiệm vụ lớn
Những đứa trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu các dự án hoặc nhiệm vụ lớn chỉ đơn giản là cảm thấy quá tải và không biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy, hãy giúp con bạn bằng cách chia các nhiệm vụ lớn ra thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, dễ tiếp cận và thực hiện hơn.
Điều này có thể giúp một đứa trẻ không còn gặp khó khăn khi bắt đầu các dự án. Nó cũng có thể giúp con bạn phát triển các kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức và theo dõi. Đây là tất cả các kỹ năng điều hành tuyệt vời nên được phát triển sớm cho cuộc sống sau này.
5. Tổ chức các trò chơi trí nhớ
Cho phép con bạn chơi những trò chơi rèn luyện tư duy và trí nhớ có thể giúp phát triển các kỹ năng điều hành. Trí nhớ là một trong mười kỹ năng điều hành hàng đầu.
Bạn cũng có thể chơi các trò chơi sắp xếp, trốn tìm và các trò chơi cần đồng đội. Những loại hoạt động này cũng có thể giúp ghi nhớ và phát triển các kỹ năng quản lý khác (như lập kế hoạch, tổ chức, tạo động lực). Dạy con bạn hát các bài hát trong trí nhớ và chơi một nhạc cụ cũng rất hữu ích trong việc phát triển những điều này.
6. Tạo động lực
Động lực bên trong không tự động có sẵn với tất cả trẻ em. Đôi khi trẻ em cần có động lực bên ngoài để đưa chúng đến con đường tiến tới thành công. Một khi con bắt đầu nhìn thấy những thành công nhỏ và tận hưởng những gì mình đang theo đuổi, chúng sẽ học cách tự động viên bản thân.
Để giúp con bắt đầu, bạn có thể giúp trong việc tạo động lực cho chúng. Khen ngợi chân thành về thành công của con là một cách để tạo động lực. Nếu bạn đang thúc đẩy con tránh xa những quyết định tồi tệ, bạn cần phải sử dụng những bài học về khắc phục hậu quả hoặc kỷ luật. Tuy nhiên, về lâu dài, lời khen và phần thưởng luôn mang lại nhiều động lực hơn./.
CTV Quỳnh Nguyễn/VOV.VN