Ngay sau Lễ phát động ngày 1/10, Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên từ nhiều trường đại học phía Bắc với gần 100 đội đăng ký dự thi (mỗi đội thi gồm 3 thành viên). Trải qua gần 1 tháng và nhiều nội dung thi hấp dẫn từ vòng sơ loại đến vòng chung kết, kết quả quán quân cuộc thi Hiểu đúng về tiền năm 2020 đã thuộc về Đội D.T.A đến từ Học viện Ngân hàng, á quân là Đội 3G Đại học Ngoại thương, đồng giải 3 là các đội đến từ Đại học Luật và Đại học Quốc gia.
Với thông điệp trang bị cho sinh viên “kiến thức kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, cuộc thi tập trung vào các nội dung về thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, các vấn đề quản lý tài chính cá nhân của sinh viên trong đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm…
4/100 đội giỏi nhất đua tài gay cấn trong trận Chung kết. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đánh giá cao việc giáo dục tài chính cho sinh viên, qua đó góp phần hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của quốc gia.
Dù là năm đầu tiên tổ chức cho sinh viên, nhưng Cuộc thi đã thu hút gần 100 đội thi đăng ký, đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Điều này chứng tỏ cuộc thi đã lan tỏa và thực sự trở thành một sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được các quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Để chủ trương đó hiệu quả, việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng thanh toán và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định.
Đối với Việt Nam, đây là chủ trương được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm với giá trị cốt lõi là mang lại tiện ích và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính cũng như tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng, giảm chi phí xã hội và nền kinh tế, giảm thiểu tín dụng đen và rủi ro cho người dân.
Trao giải cho các đội xuất sắc nhất cuộc thi "Hiểu đúng về tiền". Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Qua nghiên cứu các chương trình truyền thông về giáo dục tài chính của các nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng là nhóm đối tượng ưu tiên được nhiều chương trình giáo dục tài chính các nước hướng tới do có tiềm năng lớn, gần nhất với độ tuổi sẽ sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trong tương lai và có khả năng làm thay đổi thói quen xã hội.
“Cuộc thi đã giúp sinh viên thay đổi nhận thức, hành vi và hình thành thói quen tài chính tốt về sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời các bạn trẻ cũng sẽ tiếp tục lan tỏa nhận thức trong cộng đồng nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và giảm thiểu chi phí xã hội”, bà Lê Thị Thúy Sen nói.