Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Năm 2022, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ

Với kinh nghiệm, năng lực và khả năng ứng phó tốt với dịch bệnh, nền kinh tế sẽ mau chóng phục hồi trở lại trong năm 2022. Nhận định lạc quan này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG chia sẻ đầu năm với Tuổi Trẻ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Năm 2022, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ - Ảnh 1.

Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng container quốc tế SP-ITC, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: TRUNG TUÂN

Ông Dũng nói:

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế. Tăng trưởng GDP 2,58%, xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 668,5 tỉ USD (xuất siêu khoảng 4 tỉ USD), tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỉ USD, tăng hơn 9,2 tỉ USD so với năm 2020.

Phát triển những tập đoàn tư nhân mạnh

* Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022?

- Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên và khả năng chủ động sản xuất được vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vắc xin cho toàn dân, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục trong 2022.

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68 - 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp (DN) và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Chúng ta cũng tăng cường khả năng phục hồi kinh tế thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội, áp dụng kỹ thuật số để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương...

* Có ý kiến cho rằng muốn đưa Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao phải thúc đẩy vai trò khu vực kinh tế tư nhân...

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030 đã đề ra quan điểm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ họ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ, hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành DN; thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Năm 2022, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG

Giải pháp toàn diện hỗ trợ DN

* Các giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN sẽ được triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế 2022 - 2023 là gì, thưa ông?

- Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.

Theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ được thực thi, đó là: hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN như tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho DN; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Chúng ta cũng hỗ trợ tái cấu trúc DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN; hỗ trợ họ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... Việc tái cấu trúc lao động, thu hút, đào tạo lại lao động... cũng được hỗ trợ.

Ngoài ra, sẽ rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta cũng định hướng công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách để định hướng cho DN đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để DN tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công tư.

* Việt Nam sẽ làm gì trong cuộc đua thu hút đầu tư FDI?

- Năm 2021, thu hút đầu tư FDI đạt khoảng 31,15 tỉ USD. Đó là một thành công trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, đặc biệt là giữa các quốc gia có điều kiện tương đồng như Ấn Độ, Indonesia.

Việt Nam sẽ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, sẽ chủ động lên danh sách các DN đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư.

BẢO NGỌC thực hiện