Trực tiếp canh tác, đầu tư cải tạo trên 40 năm nhưng gia đình ông Phan Văn Ngời không được bồi thường khi thu hồi đất.
Sử dụng hàng trăm ngàn m2, bồi thường vỏn vẹn 231m2
Trong đơn thư và hồ sơ gửi báo PLVN, ông Phan Văn Ngời (SN 1950, ở khu phố Ngọc Hà, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trình bày, nguồn gốc đất đang bị thu hồi do gia đình ông khai hoang và nhận chuyển nhượng từ năm 1977.
Ngày 25/5/1996, ông Ngời có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 204.292m2.
Ngày 22/5/1998, hộ ông Phạm Văn Ngời được UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) cấp GCNQSDĐ cho 8045m2, trong đó có 300m2 đất ở, 600m2 đất cây lâu năm, còn lại hơn 7000m2 là đất cây hàng năm.
Tới ngày 14/3/2003, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định số 1728/QĐ-UBND thu hồi đất tại thị trấn Phú Mỹ để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phú Mỹ 1, trong đó có hộ ông Ngời.
Ngày 30/9/2009, UBND huyện Tân Thành ban hành quyết định số 6942/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ diện tích đất 58.963m2 bị thu hồi, nhưng chỉ có 24.463m2 được hỗ trợ 5000 đồng/m2, còn 34.500m2 không được hỗ trợ bồi thường về đất.
Giấy chứng nhận QSDĐ ông Phan Văn Ngời được cấp năm 1998 nhưng khi thu hồi đất chỉ được bồi thường rất nhỏ.
Không đồng ý quyết định 6942, ông Ngời khiếu nại. Ngày 27/2/2014, Chủ tịch UBND huyện Tân Thành có Quyết định giải quyết khiếu nại, sửa đổi bổ sung quyết định số 6942, cụ thể đất nông nghiệp đủ điều kiện bồi thường chỉ vỏn vẹn có 251m2 với giá 61.000 đồng/m2, hỗ trợ chuyển nghề hơn 23 triệu đồng. Tổng cộng, hộ ông Ngời được nhận chỉ hơn 37 triệu đồng.
Ngày 31/12/2013, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (hộ ông Ngời), diện tích đất bị thu hồi 144.000m2, trong đó có 110.000m2 có hợp đồng khoán được hỗ trợ 5000 đồng/m2, 34.000m2 diện tích vượt khoán không được hỗ trợ, bồi thường về đất.
Như vậy, qua hai quyết định, diện tích đất bị thu hồi lên tới 202.963m2. Thế nhưng diện tích đất được bồi thường chỉ có 251m2, bằng một phần 800 lần. Điều này khiến ai cũng thấy ngay có gì đó tréo ngoe, vô lý?
Thời điểm giao rừng, cắm ranh trên thực tế là khi nào?
Căn cứ sơ đồ vị trí lồng ghép ngày 28/7/2020 của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì tổng diện tích đo đạc theo chỉ ranh của hộ ông Ngời là 229.385,7m2. “Toàn bộ diện tích đất này được gia đình tôi sử dụng liên tục từ năm 1977 cho đến nay. Quá trình sử dụng, tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, có làm thủ tục để xin cấp GCNQSDĐ”, ông Ngời trình bày.
Do hồ sơ vụ án hiện đang được TAND cấp cao thụ lý, nhóm PV PLVN chưa được cung cấp đầy đủ nhưng qua bản án sơ thẩm số 52/2020/HC-ST của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ngày 4/9/2020) có thể thấy, lý do mấu chốt khiến hộ gia đình ông Ngời dù quản lý, sử dụng diện tích đất rất lớn nhưng diện tích đất được bồi thường gần như không đáng kể là do có liên quan đến đất rừng.
Cụ thể, trong số hơn 20ha bị thu hồi có 11ha có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng phòng hộ ven biển Long Hưng – Mỹ Xuân số 113/HĐK ngày 29/01/1996 với Ban quản lý dự án 595. Do phần diện tích này chưa được cấp GCNQSDĐ nên trong phạm vi bài viết này, người viết tạm chưa phân tích nhưng với 6.716m2 đất đã được cấp GCN cũng bị cơ quan bồi thường “bác” gần như toàn bộ, khi chỉ bồi thường có 251,6m2 thì rất cần được xem xét.
Lý do được người bị kiện (UBND huyện Tân Thành) đưa ra một lần nữa lại có liên quan đến đất rừng. Theo lập luận của cơ quan này thì trong số 6.716m2 có tới hơn 6.464m2 là do ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh quản lý, do đó không được bồi thường.
Sự vô lý nằm ở chỗ, GCNQSDĐ của hộ ông Ngời được UBND huyện Tân Thành cấp từ năm 1998 nhưng tới 16 năm sau, sau khi đã ban hành các quyết định thu hồi đất, ngày 18/2/2014, UBND huyện Tân Thành mới tiến hành thu hồi và điều chỉnh GCNQSDĐ với diện tích đất này. Điều này đã cho thấy, có sự khác xa, chênh lệch rất lớn giữa hồ sơ giấy tờ và sự quản lý, sử dụng trên thực tế.
Theo quy định của Luật Đất đai, GCNQSDĐ là “chứng thư pháp lý” để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, là “bằng chứng” nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng sau 16 năm cầm trong tay “chứng thư pháp lý”, sử dụng đất ổn định, bỗng một ngày “đẹp trời”, cơ quan chức năng lại “hồn nhiên” điều chỉnh chính “chứng thư” do mình đã cấp. Vậy thì hỏi làm sao người sử dụng đất có thể tâm phục, khẩu phục được?
Tại phiên tòa sơ thẩm, phía bị kiện cũng dẫn ra một loạt các văn bản như: Quyết định 1814/QĐ-UBND ngày 25/12/1978 của UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Lâm trường Châu Thành; Quyết định 777/QĐ-UBT ngày 23/6/1990 về việc tách bộ phận quản lý rừng vào công ty thủy sản; Quyết định 754/QĐ-UBND ngày 25/11/1992 thành lập Khu rừng phòng hộ Long Hương – Mỹ Xuân; Quyết định 473/QĐ-UB về việc giao 4532ha đất cho chủ dự án 595 để triển khai xây dựng rừng phòng hộ ven biển…
Chính vì thế, cấp sơ thẩm nhận định: “Như vậy, việc quản lý đất rừng của Nhà nước là liên tục từ năm 1978 cho đến thời điểm thu hồi đất”.
Điều đáng nói, chính trong bản án sơ thẩm cũng lại cho biết: Tại thời điểm ban hành quyết định thành lập lâm trường năm 1978 “chưa thực hiện cắm ranh, cắm mốc, chưa có bản đồ ranh giới rừng phòng hộ, đến năm 1999 mới hoàn thành bản đồ hiện trạng rừng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tỷ lệ 1/50.000, đến năm 2011 mới có sơ đồ cắm ranh, năm 2012 có sơ đồ điều chỉnh…”.
Từ khi có quyết định thành lập lâm trường 1978 đến khi có sơ đồ điều chỉnh cắm ranh rừng là những… 34 năm. Chưa kể trong thời gian đó, hộ ông Ngời đã được cấp GCNQSDĐ (năm 1998). Thậm chí, trong nội dung rút kinh nghiệm vụ án bị hủy để xét xử lại, Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nêu: “việc xác định diện tích thu hồi của ông Ngời nằm trong ranh giới rừng phòng hộ giữa cơ quan quản lý rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cơ quan thu hồi, bồi thường đất UBND huyện Tân Thành là mâu thuẫn, chưa thống nhất”.
Điều này đã cho thấy, có sự mâu thuẫn giữa hồ sơ quản lý rừng với thực tế quản lý và sử dụng đất đai. Chính vì thế, vụ án cần được xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, công tâm hơn. Không ai phủ nhận các quyết định của chính quyền nhưng các quyết định đó được triển khai trên thực tế hay chưa? Rừng đã được cắm ranh, giao đất giao rừng chưa hay bản đồ rừng mới chỉ tồn tại trên giấy là điều cần được làm rõ? Có như vậy mới đảm bảo sự công minh, thỏa đáng và bình đẳng trong thi hành pháp luật.