Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa Đối thoại và phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của cuộc Đối thoại lần này?
Đối thoại Chiến lược quốc gia về Việt Nam lần đầu tiên do Diễn đàn Kinh tế thế giới và Chính phủ Việt Nam đồng chủ trì, sẽ có sự tham dự và phát biểu trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đặt biệt, sự kiện quy tụ sự tham dự của gần 70 tập đoàn hàng đầu ở khu vực và toàn cầu. Đây là những tập đoàn đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam, cũng như các tập đoàn đang quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Những lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn này phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam, như công nghệ, chuyển đổi số, các giải pháp thông minh, y tế và năng lượng tái tạo. Sự kiện có ba ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, sau giai đoạn dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, kinh tế thế giới hiện nay đang có xu hướng phục hồi ở nhiều nơi trên thế giới và dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Việt Nam chúng ta, với Nghị quyết 128 của Chính phủ, đang bước vào giai đoạn khôi phục và phục hồi kinh tế, sản xuất trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh.
Chính vì thế, đây là cơ hội để Chính phủ có thể chia sẻ những kế hoạch phục hồi nền kinh tế, từ đó thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, các địa phương với các tập đoàn hàng đầu cùng đồng hành trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đặc khu kinh tế hiện nay và trong thời gian tới.
Thứ hai, đây cũng là dịp rất quan trọng để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có thể chia sẻ với cộng đồng kinh doanh toàn cầu về kế hoạch, khát vọng, mục tiêu phát triển của đất nước như đã đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đặc biệt, Thủ tướng sẽ đưa ra các thông điệp chính sách đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, để thể hiện các quyết tâm, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, cũng như trong kế hoạch dài hạn nhằm thúc đẩy cải cách, chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam.
Đây còn là dịp để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe những khó khăn, cũng như kế hoạch phát triển, mở rộng đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam và giải đáp những khó khăn, thắc mắc của các doanh nghiệp.
Thứ ba, sự kiện lần này nằm trong chuỗi các hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua, để lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ những khó khăn, cũng như thúc đẩy đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam, tận dụng xu thế chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Xin chia sẻ thêm, trước khi diễn ra sự kiện này, WEF đã tham khảo rất kỹ các doanh nghiệp thành viên và tập đoàn hàng đầu trước khi quyết định đồng chủ trì Đối thoại với Việt Nam. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của đông đảo các doanh nghiệp WEF, là một trong những sự kiện lớn nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong năm 2021.
Như vậy, sự kiện này hội tụ đầy đủ các nhân tố kỳ vọng tạo ra một cuộc trao đổi rất thực chất, rất thiết thực, rất đúng thời điểm, và sẽ tạo ra nhiều kết quả tích cực.
Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và WEF đã phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt, nhất là sau Hội nghị Diễn đàn WEF về ASEAN năm 2018. Xin Thứ trưởng cho biết phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và WEF thời gian tới để đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam?
Phải nói rằng Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thiết lập mối quan hệ từ năm 1989 đến nay. Việt Nam là một trong những quốc gia tham dự thường xuyên các hoạt động thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới, như tại Davos.
Giữa hai bên cũng có kế hoạch hợp tác dài hạn, tổ chức các sự kiện chung, trong đó nổi bật là Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 đã diễn ra hết sức thành công.
Về hợp tác với Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rất rõ Diễn đàn Kinh tế thế giới không chỉ luôn đề cao Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế năng động, giàu tiềm năng mà còn là sự cầu thị và luôn đổi mới, cải cách của Chính phủ. Định hướng hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới, thể hiện trên ba hướng xuyên suốt từ trước đến nay.
Thứ nhất, Diễn đàn Kinh tế thế giới là đối tác rất quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là các nguồn lực từ các hợp đồng kinh doanh, đầu tư triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế, cũng như tận dụng các nguồn lực đó để triển khai các mục tiêu dài hạn, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các mối quan hệ đối tác công - tư cũng là cơ chế tạo ra nguồn lực cho Việt Nam.
Thứ hai, thế mạnh của Diễn đàn Kinh tế thế giới là có một mạng lưới các doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu thế giới, thường xuyên tham dự vào các sự kiện của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hàng năm.
Thông qua mạng lưới đó, Diễn đàn kinh tế thế giới giúp Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh hàng đầu thế giới để tham gia đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Đó là sức mạnh của sự liên kết mà chúng ta tranh thủ được.
Thứ ba, giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới có chương trình hợp tác thường xuyên về tư vấn và trao đổi chính sách. Chúng ta rất cần những tham mưu chính sách của Diễn đàn Kinh tế thế giới để chúng ta cập nhật những ý tưởng, tư duy mới trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển dổi số, chuyển đổi xanh…
Với những định hướng hợp tác như vậy, Chính phủ Việt Nam xác định Diễn đàn Kinh tế thế giới là một trong những đối tác hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chúng ta cũng tiếp tục phối hợp với WEF để Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất trong khu vực về nghiên cứu, trao đổi về các ý tưởng mới.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.