350.000 tỷ cho phục hồi kinh tế, để chậm ngày nào sốt ruột ngày đó

Với số vốn đầu tư gần 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng lưu ý phải triển khai nhanh vì “để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó".

Sáng 25/1, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với các bộ, ngành liên quan để nghe góp ý hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua và Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đây là nghị quyết rất quan trọng để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Trên cơ sở Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo nghị quyết triển khai chương trình này.

Với thời gian thực hiện 2 năm cùng số vốn đầu tư rất lớn (gần 350.000 tỷ đồng), Phó thủ tướng lưu ý "để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó". Ông Khái đề nghị sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo, bộ, ngành Trung ương góp ý cụ thể về giải pháp thực hiện.

Thuc day trien khai Chuong trinh phuc hoi kinh te anh 1

Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP.

Đề cập đến chính sách hỗ trợ 2%/năm với chương trình tín dụng lãi suất trên 6%/năm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bùi Quang Vinh đề xuất chủ yếu hỗ trợ với các món vay phát sinh trong năm 2022-2023, tổng lãi suất hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng (mỗi năm 1.500 tỷ đồng). Ông Vinh khẳng định khi có quy định sẽ sớm hoàn thiện cho vay kịp thời.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội, do toàn bộ nguồn lực thực hiện chương trình là huy động từ trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Còn Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đề xuất tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo nghị quyết của Chính phủ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh chương trình phục hồi kinh tế này đòi hỏi phải làm nhanh, cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng để thực hiện hiệu quả.

"Tinh thần là chương trình quan trọng này phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nghị quyết 43 của Quốc hội đề ra mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết dự thảo nghị quyết gồm 4 phần, xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết của từng bộ, cơ quan, địa phương theo lộ trình, thời gian phù hợp, đảm bảo triển khai nhanh, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp cần thiết phải ban hành thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý I/2022.