Theo Quỹ PCTH thuốc lá, ước tính số người hiện đang hút thuốc lá tại Việt Nam rơi vào khoảng 15,4 triệu người, trong đó có 14,8 triệu người là nam giới và 603.000 người là nữ giới.
Trong những năm qua, với nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác PCTH thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong năm giới Việt Nam đã giảm từ 45,3% xuống còn 42,3%. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc ở nhóm người trưởng thành trên 15 tuổi cũng đã giảm từ 22,5% xuống còn 21,7% trong giai đoạn kể trên.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính Việt Nam đã tiết kiệm được 1.277 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2015 – 2020 do tỷ lệ bệnh tật liên quan đến sử dụng thuốc lá giảm.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Nguyên nhân đầu tiên là do thị trường xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới, đơn cử như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,… Trong giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử đã tăng 18 lần, từ 0,2% lên 3,6%. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%, cao hơn nhiều so với 3,2% của nhóm tuổi 25 – 44 và 1,4% của nhóm tuổi 45 – 64.
Bên cạnh đó, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm. Trên thực tế, giá thuốc lá rẻ ở Việt Nam đã làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
Giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ, thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ và bằng một nửa của các quốc gia ASEAN.
Dựa trên các cơ sở pháp lý bao gồm Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Nghị quyết 20-NQ/TW, Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 và Chương trình sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng ban hành, Quỹ PCTH thuốc lá khuyến nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn. Từ đó, giá thuốc lá mới có thể theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.