Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ Biden rơi vào dịp kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1995 cả tổng thống và phó tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ. Phó tổng thống Kamala Harris đã thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/8/2021.

Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, về những yếu tố làm nên thành công của quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Mỹ cũng như những gì Việt Nam cần làm để có thể đón đầu làn sóng đầu tư từ nhà đầu tư Mỹ dịch chuyển.

Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón nhà đầu tư “đại bàng” từ Mỹ? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh NVCC)

Nếu tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức 138 tỷ USD vào năm 2022. Còn tính trong 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện, quan hệ thương mại hai nước đã tăng hơn ba lần. Theo ông, điều gì đã thúc đẩy thương mại 2 nước tăng mạnh mẽ như vậy trong thời gian qua? Và sau chuyến thăm này, thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ phát triển thế nào?

Thương mại giữa hai nước trong thời gian qua tăng trưởng mạnh như vậy có nguyên nhân ban đầu là do Mỹ và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2001, thuế suất hàng hóa giữa hai nước giảm đi rất nhiều, hàng hóa Việt Nam có thể xuất vào Mỹ dễ dàng hơn và ngược lại hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, các loại mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Mỹ cũng không có tính cạnh tranh nhau, vì vậy khuynh hướng không loại trừ nhau.

Hàng hóa Việt Nam có đặc trưng cần đến nguồn lao động nhân công giá rẻ, vì vậy đáp ứng được đúng nhu cầu của người Mỹ. Trong thời gian qua, chúng ta thấy rằng Việt Nam xuất khẩu ngày một nhiều mặt hàng đi Mỹ, chủng loại hàng hóa ngày một đa dạng hơn.

Trong thời gian tới, trong xu thế nhiều nhà đầu tư muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư mà không chỉ tập trung vào Trung Quốc, họ chuyển sang đầu tư thêm vào Việt Nam, hàng hóa từ Việt Nam sẽ vào Mỹ nhiều hơn trong thời gian tới. Nếu như Mỹ có chính sách ưu đãi cho Việt Nam, thương mại giữa hai nước sẽ tăng trưởng mạnh hơn, hàng hóa Việt Nam sẽ vào Mỹ nhiều hơn nữa.

Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Con số này dường như chưa thể hiện hết tiềm năng của cả 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ - một trong những thế mạnh của Mỹ. Vì sao nhà đầu tư Mỹ chưa đầu tư nhiều vào những lĩnh vực công nghệ cao và bằng cách nào để tăng cường hơn nữa đầu tư Mỹ vào lĩnh vực này?

Cần nhìn vào đầu tư của Mỹ từ nhiều khía cạnh. Trên giấy tờ, các nhà đầu tư Mỹ có thể chưa thực sự nhiều. Tuy nhiên từ góc độ khác nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty của Mỹ đặt tại Hồng Kông hoặc Singapore để tận dụng chính sách đầu tư thông thoáng của hai nền kinh tế này.

Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón nhà đầu tư “đại bàng” từ Mỹ? - Ảnh 2.

Kim ngạch thương mại Việt Mỹ (Biểu đồ Ong Lý)

Như vậy thực ra khi vào Việt Nam, nó hiện lên các con số thống kê đầu tư của Hồng Kông và Singapore nhưng thực sự đứng đằng sau nó là nhà đầu tư Mỹ. Chính vì vậy con số thực tế của nhà đầu tư Mỹ, tôi tin nó lớn hơn con số công bố rất nhiều.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên bỏ qua thực tế rằng Mỹ chưa có nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, nổi bật nhất chỉ có thể kể đến Intel. Trên thực tế cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng như các cụm đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư công nghiệp cũng như công nghệ cao của Mỹ.

Việc Việt Nam tăng cường đầu tư vào hạ tầng cần phải tính đến cả hạ tầng phần cứng và phần mềm, ngoài vấn đề hạ tầng còn phải tính đến con người. Việt Nam chưa có đủ lực lượng kỹ sư công nghệ cao để đáp ứng cho các đại bàng công nghệ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón nhà đầu tư “đại bàng” từ Mỹ? - Ảnh 3.

Biểu đồ Ong Lý

Nếu so sánh với Trung Quốc hay Ấn Độ, Đài Loan, có thể thấy số lượng kỹ sư công nghệ Việt Nam tốt nghiệp hàng năm vẫn là con số quá khiêm tốn và ít ỏi, khó mà đáp ứng được cho nhà đầu tư lớn. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách mạnh mẽ hơn cả về phần cứng lẫn phần mềm để thu hút được thêm đầu tư từ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã tác động tới quyết định của doanh nghiệp công nghệ Mỹ trong việc tìm kiếm thị trường thay thế. Theo ông, sau chuyến thăm chính thức của tổng thống Mỹ Biden, Việt Nam có đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao?

Để tăng được đầu tư vào Việt Nam, cần phải có cái nhìn hai chiều; thứ nhất, làm sao tăng được đầu tư của Mỹ vào Việt Nam và thứ hai, làm sao để Việt Nam có thể hấp thụ được tốt nhất vốn đầu tư đó.

Chính phủ Mỹ hiện nay đưa ra chính sách "friendshoring" hoặc "nearshoring" tức là dịch chuyển các nhà đầu tư của họ sang các quốc gia bạn bè của họ để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu của họ không bị đứt gãy trong trường hợp có khủng hoảng, Việt Nam có thể là điểm đến trong xu thế này.

Vấn đề thứ hai: Việt Nam có đủ điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao hay không. Thời gian qua, chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn cho việc này. Nhưng ngoài quyết tâm chính trị sẽ cần đến những quyết sách cụ thể hơn, và từ quyết sách đó đến việc thực hiện như thế nào lại là câu chuyện khác. Chính phủ cần phải cân nhắc đến tất cả những yếu tố này để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư công nghệ cao trong thời gian tới.

Cho đến giờ có nhiều lý do để hy vọng vào sự thay đổi. Tổng thống Biden đến Việt Nam sẽ mang theo một số nhà đầu tư của Mỹ đến Việt Nam trong kỳ này.

Theo quan điểm của ông, các doanh nghiệp Mỹ nhận xét gì về môi trường đầu tư Việt Nam và chúng ta cần làm gì để thu hút hơn nữa đầu tư Mỹ?

Thông qua những cuộc tiếp xúc mang tính cá nhân của tôi thì tôi thấy họ cho rằng Việt Nam cần phải minh bạch và nhất quán hơn trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Đối với nhiều người chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện vẫn không mấy nhất quán từ trung ương đến địa phương. Chính sách có khuynh hướng thay đổi mà không báo trước.

Ngoài ra hiện nay cũng có những yếu tố e ngại tại một số chính quyền địa phương trong việc gia hạn giấy phép đầu tư, chính vì vậy Việt Nam cần phải có chính sách rõ ràng hơn và giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại hiện nay. Mỹ họ rất quan trọng việc Việt Nam cần phải chuyển sang nền kinh tế số để đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng hơn để chắc chắn mọi thứ được minh bạch để ngăn gian lận thương mại hay gian lận xuất xứ hàng hóa.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!