USD tăng mạnh, vàng giảm giá sâu: Cuộc tháo chạy âm thầm bắt đầu

Giá vàng thế giới trong tuần giảm mạnh (quy đổi tương đương hơn 1 triệu đồng/lượng), giá vàng trong nước vẫn giữ nguyên, kéo khoảng cách chênh lệch giá giữa vàng thế giới và trong nước lên gần 12,5 triệu đồng/lượng.
mua-sam-trang-suc-giam-manh-gan-30-gia-the-gioi-giam-sau-vang-trong-nuoc-van-co-niu-gia-cu-1687613064.png
Mua sắm trang sức giảm mạnh gần 30%, giá thế giới giảm sâu, vàng trong nước vẫn cố níu giá cũ (ảnh minh họa)

Ngày cuối tuần 24/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,5- 67,1 triệu đồng/lượng, giữ nguyên cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán vẫn hiện chỉ còn 600.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm nay 24/6 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.920,7 USD/ounce, giảm mạnh đến 38 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 24/6 mua bán quanh mức 55,35- 56,35 triệu đồng/lượng, giảm đến 250.000 đồng mỗi lượng so với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức tuần này hiện ở mức 1 triệu đồng/lượng, nhích tăng thêm 50.000 đồng so với tuần trước.

Trong các tuần qua, giá vàng thế giới liên tục biến động sau khi lùi sâu dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá vàng miếng SJC trong nước không đi cùng chiều vàng thế giới. Tính ra trong tuần, giá vàng đã giảm mạnh, quy đổi tương đương hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, nhưng vàng miếng SJC luôn níu giữ ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.

Điều này dẫn đến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước cũng tăng không ngừng. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng miếng SJC gần 12,5 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng trang sức khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng.

Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc tăng hàng chục USD/ounce nhưng sau đó giảm mạnh sau khi hàng loạt quốc gia tăng thêm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản từ 4,5% lên 5%.

Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tăng thêm 0,5 điểm % để nâng lãi suất lên mức cao nhất là 3,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp của Na Uy khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng lãi suất cơ bản từ 1,5% lên 1,75% và cho biết sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa...

Theo nhà phân tích của Công ty Giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ), việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Điều này có thể khiến đồng USD trở thành nơi trú ẩn an toàn, hấp dẫn hơn so với vàng.

Phản ứng các thông tin trên, giá vàng thế giới từ 1.910 USD lao lên 1.935 USD/ounce lúc 22 giờ ngày 23/6. Thế nhưng, ngay sau đó, có lẽ giới đầu cơ lo ngại đồng USD tăng giá, tạo sức ép lên thị trường vàng nên liền bán ra. Chỉ sau vài phút giao dịch, giá vàng thế giới rơi thẳng đứng 15 USD để đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.920,7 USD/ounce.

Thị trường vàng tiếp tục trầm lắng, giao dịch èo uột đối với cả vàng SJC lẫn vàng trang sức 24K. Kết quả kinh doanh lũy kế 5 tháng đầu năm của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho thấy, sức mua chung của thị trường suy giảm, doanh thu trang sức bán lẻ 5 tháng đầu năm nay giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, theo PNJ, do sức mua mặt hàng trang sức nội địa và đơn đặt hàng từ khách hàng doanh nghiệp có phần sụt giảm, doanh thu trang sức bán sỉ trong 5 tháng đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.920,2 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.929,6 USD/ounce.

Giá vàng thế giới hiện nay đang xuống mức thấp nhất 3 tháng qua. USD mạnh lên khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính trong vòng 7 ngày, giá của loại tài sản này đã giảm tổng cộng 2,3%. Theo chuyên gia về vàng tại State Street Global Advisors, nếu thị trường vàng có thể tiếp tục giữ mức hỗ trợ quan trọng quanh mức 1.900 USD/ounce, thì rất có thể, kim loại quý sẽ kết thúc năm ở mức cao hơn.