TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Mở cửa kinh tế là một mệnh lệnh
TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm, mở cửa trở lại nền kinh tế chính là việc cấp bách, bởi không thể phòng chống dịch Covid-19 bằng hai bàn tay không.

Mở cửa trở lại nền kinh tế là nhu cầu cấp bách hiện nay. Đây là nhu cầu của bản thân nền kinh tế, của an sinh xã hội và của cả công cuộc phòng chống dịch Covid-19.

Đối với nền kinh tế, phong tỏa đất nước là giải pháp mạnh mẽ nhất để phòng chống dịch. Nhưng giải pháp này chỉ có ý nghĩa và chỉ khả thi trong một thời gian ngắn. Nếu không làm được như vậy, rủi ro cho đất nước là vô cùng to lớn.

Quả thật, phong tỏa đã kéo quá dài - không chỉ nửa tháng, không chỉ một tháng, mà nhiều tháng trời. Hậu quả là nền kinh tế của nước ta đang phải đối mặt với những tổn thất vô cùng nặng nề.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp rời bỏ thị trường; hàng triệu người lao động thất nghiệp; các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy; các doanh nghiệp FDI chuyển đơn hàng ra nước ngoài… là những hệ lụy đã hiển hiện trước mắt.

Mới đây, các tổ chức như Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ thúc giục phải khẩn cấp mở cửa trở lại và bình thường hóa nền sản xuất.

Họ khẳng định: “ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác” và cảnh báo chậm mở cửa thì cơ hội thu hút đầu tư từ quá trình đa dạng hóa nguồn cung ứng toàn cầu sẽ không quay trở lại.

Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài thúc giục mở cửa trở lại nền kinh tế. Hàng chục hiệp hội doanh nghiệp trong nước cũng đã gửi thư đến Chính phủ kiến nghị khẩn cấp nới lỏng phong tỏa, thực hiện vừa chống dịch và bảo tồn nền kinh tế.

Nếu chúng ta phòng chống dịch thành công, nhưng lại để nền kinh tế bị đổ vỡ, thì sự thành công như vậy rất ít có ý nghĩa. Bởi vì, chắc gì nó đã có thể chuộc lại được những mất mát vô cùng to lớn cả về sinh mạng con người, sự bất ổn xã hội, lẫn những tổn thất về của cải vật chất khi nền kinh tế bị sụp đổ.

"Chúng ta không thể phòng chống dịch bằng hai bàn tay không. Chúng ta cần phải có tiền để mua vaccine, mua ô xy, mua máy thở, mua kit xét nghiệm, mua thuốc chữa trị, mua khẩu trang và mua muôn vàn các thiết bị cần thiết khác".

Đối với an sinh xã hội, hàng triệu người bị phong tỏa, bị mất việc làm tạo ra một gánh nặng vô cùng to lớn cho hệ thống an sinh xã hội.

Chỉ riêng việc cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yểu phẩm khác cho một số lượng cư dân lớn như vậy đã đòi hỏi phải tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách của cả Trung ương lẫn địa phương.

Với những khoản chi tiêu khổng lồ vừa cho phòng chống dịch, vừa cho an sinh xã hội, ngân sách Nhà nước sẽ cạn kiệt rất nhanh chóng.

Khi đó, cho dù muốn cứu giúp dân khỏi đói khát, bệnh tật, chắc gì đã có đủ nguồn lực để làm. Nguồn hỗ trợ từ xã hội cũng sẽ mau chóng suy kiệt, bởi vì nếu kinh tế đình đốn thì xã hội cũng khó có được nguồn bổ sung để tiếp tục làm từ thiện.

Rõ ràng, nếu kinh tế không phục hồi, người dân không có việc làm để tự kiếm sống, tự lo cho mình, không thể có một ngân sách nào, một nguồn hỗ trợ xã hội nào có thể bền lâu được.

Chúng ta không thể phòng chống dịch bằng hai bàn tay không. Chúng ta cần phải có tiền để mua vaccine, mua ô xy, mua máy thở, mua kit xét nghiệm, mua thuốc chữa trị, mua khẩu trang và mua muôn vàn các thiết bị cần thiết khác.

Điều cần lưu ý, sự nghiệp phòng chống dịch là của toàn dân, chi phí cũng là của toàn dân. Không chỉ Nhà nước cần có tiền để chi tiêu cho công việc này, mà người dân cũng vậy.

Nhà nước có chi tiêu nhiều đến mấy, mà người dân không có tiền để chi, thì hiệu quả của phòng chống dịch vẫn sẽ rất thấp. Bởi khi người dân không có đủ điều kiện để tự bảo vệ mình thì dịch bệnh sẽ vẫn rất dễ lây lan.

Thế nhưng, nếu kinh tế bị tê liệt, nguồn tiền của cả Nhà nước lẫn người dân cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Hậu quả tất yếu là công cuộc phòng chống dịch cũng không thể thành công.

Mở cửa trở lại nền kinh tế chính là công việc cấp bách nhất hiện nay. Tuy nhiên, mở cửa kinh tế thì lây nhiễm có thể gia tăng. Đây chắc sẽ là điều khó có thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải cân đối sao cho dịch bệnh không bùng phát và hệ thống y tế không bị quá tải.

Đẩy mạnh tiêm chủng, chính sách thẻ xanh, bảo đảm giãn cách xã hội (chứ không phải là phong tỏa xã hội), thực hiện 5K, để các F0 không phát bệnh tự điều trị tại nhà, để các F1 tự cách ly tại nhà, tăng cường sự hiểu biết về phòng chống dịch và cung ứng đầy đủ các loại thuốc Đông Tây y và y học cổ truyền cho dân… là một số giải pháp để tạo ra sự cân đối như vậy.