bo-truong-bo-noi-vu-pham-thi-thanh-tra-1667641546.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) đã đề cập đến vấn đề thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt được tỷ lệ 6,6%.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu vẫn chưa đạt được. 

Bộ trưởng cho biết, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân.

Theo Bộ trưởng nguyên nhân thứ nhất đến từ việc chưa hoàn thiện được hệ thống thể chế một cách đồng bộ, đầy đủ, nhất quán để thúc đẩy việc tự chủ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng chưa đầy đủ, như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh vẫn còn những vấn đề bất cập mà cần phải tháo gỡ cho việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp.

"Ngay cả những văn bản dưới luật, ví dụ như một số nghị định có liên quan thì chúng ta cũng phải sửa", Bộ trưởng nói thêm.

Nguyên nhân thứ hai là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho hệ thống đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ cũng có nhiều khó khăn hơn. "Đặc biệt là đối với sự nghiệp y tế thì thực sự là có rất nhiều khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ ba chính là sự hướng dẫn của các cơ quan chủ quản, rồi các cơ quan chức năng trong vấn đề tự chủ chưa thực sự ráo riết, quyết tâm, quyết liệt để tháo gõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, bản thân đơn vị sự nghiệp thì một số người đứng đầu cũng chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt.

Đồng quan điểm với ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Trí, trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: "Chúng ta không tự chủ tức là chúng ta thất bại, tức là chúng ta thiếu quyết tâm, tức là chúng ta không có phương pháp và một mặt nào đó chúng ta còn bạc nhược".

Theo đó, để thúc đẩy thực hiện tự chủ đơn vị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tới đây sẽ tổ chức hội nghị đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ sau 5 năm thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp. Từ đó, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành, chức năng tháo gỡ toàn bộ những điểm nghẽn, rào cản để khơi thông việc thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp này.

"Hội nghị này hết sức quan trọng để giải quyết vấn đề tự chủ nếu không chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 19 Ban chấp hành Trung ương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giải pháp tiếp theo là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách như đã đề cập.

Vấn đề thứ ba đó là các bộ ngành địa phương đơn vị tự chủ cũng phải thật sự là quyết tâm để thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp.