TPBank: Chi nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn rồi lại "dồn dập" phát hành

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã chi hàng nghìn tỷ mua lại 6 lô trái phiếu trước hạn rồi sau đó lại ... dồn dập phát hành thêm 10 lô trái phiếu khác trị giá nghìn tỷ đồng.

Dòng tiền âm hơn 13.500 tỷ đồng

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) âm tới 13.050,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 11.806,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền hoạt động đầu tư và tài chính cũng ghi nhận mức âm lần lượt là 265,8 tỷ đồng và 196,1 tỷ đồng.

Như vậy kết thúc quý 2/2022, dòng tiền thuần trong kỳ của TPBank âm tới 13.512,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn ghi nhận dương 12.520,8 tỷ đồng.

tp-bank-1666190863.jpg

Dù dòng tiền âm hơn 13.500 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế của TPBank trong quý 2/2022 ghi nhận mức tăng trưởng tương đối khả quan với mức 1.731 tỷ đồng nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro.

So với cùng kỳ, hoạt động chính của TPBank tăng trưởng 20%, thu về 3.035 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.Các hoạt động ngoài lãi đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan só với cùng kỳ.

Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 681 tỷ đồng, tăng đến 65%, chủ yếu nhờ thu hoạt động thanh toán gần 774 tỷ đồng, gấp 2.5 lần; Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu lãi tăng 12%, đạt hơn 179 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng tăng 69%, đạt gần 403 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác đạt hơn 218 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn

Quý 2/2022, TPBank trích lập hơn 645 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ 5%; Chi phí hoạt động tăng 42,4% lên mức 1.762,8 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng TPBank hàng báo lãi sau thuế hơn 1731,8 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 36,5% so cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản TPBank đạt hơn 310.772 tỷ đồng tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 20% xuống còn 14.590 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm 26% xuống mức 26.523 tỷ đồng, cho vay khách hàng chỉ tăng 7% lên 151.083 tỷ đồng,…

Về phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức 156.337 tỷ đồng; tiền gửi của các TCTD khác giảm 17% xuống còn 44.097 tỷ đồng,…

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6/2022 của TPBank là 1.285,4 tỷ đồng, tăng 128,6 tỷ đồng (tương đương tăng 11,1%) so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 20,4% xuống mức 406,2 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 23,4% lên mức 430,5 tỷ đồng.

Đáng chý nợ nhóm 5 nợ có khả năng mất vốn) tăng đến 50,8% lên mức 448,7 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng từ 0,82% hồi đầu năm lên mức 0.85%.

chi-nghin-ty-1666190918.jpg
Ông Đỗ Minh Phú- Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Chi nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn rồi lại dồn dập phát hành trái phiếu

Thống kê trên HNX, từ tháng 4 đến tháng 9/2022, TPBank đã mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng.

Cả 6 lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, được phát hành với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của TPBank với lãi suất chủ yếu 3%/năm. Trái phiếu của TPBank là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải là nợ thứ cấp, không có đảm bảo bằng tài sản và không kèm theo chứng quyền.

Cụ thể, ngày 29/9 vừa qua, TPBank đã mua lại toàn bộ 750 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu mã TPBL2124015 có kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành là 29/9/2021, ngày đáo hạn ngày 29/9/2024.

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn tại TPBank diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Ngày 28/6, nhà băng này cũng đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã TPBL2124008 phát hành ngày 28/6/2021 và đáo hạn ngày 28/6/2024.

Ngày 29/6, lô trái phiếu mã TPBL2124009 phát hành ngày 29/6/2021 cũng đã được TPBank mua lại trước hạn toàn bộ với giá trị 1.100 tỷ đồng.

Ngày 23/6, TPBank cũng thông báo mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã TPBL2124007 phát hành ngày 23/6/2021, ngày đáo hạn 23/6/2024.

Trong tháng 5/2022, ngân hàng TPBank mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã TPBL2124001 ngày phát hành 5/5/2021 và đáo hạn ngày 5/5/2024.

Trước đó, lô trái phiếu mã TPBANKBOND_A4_160420_3Y_2 phát hành ngày 16/4/2020 cũng đã được TPBank mua lại toàn bộ trước hạn với giá trị 800 tỷ đồng.

Song song việc mua lại trước hạn, TPBank cũng dồn dập phát hành trái phiếu. Từ đầu năm 2022 đến nay, TPBank đã phát hành thành công tổng cộng 10 lô trái phiếu có mã từ TPBL2225001 đến TPBL2225010 với tổng giá trị 6.399 tỷ đồng. Tất cả các lô trái phiếu này đều không công bố rõ thông tin về lãi suất, mục đích phát hành.

Ông chủ Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong là ai?

Công ty CP Chứng khoán Tiên phong tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 4/2019. Với sự hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ và hệ sinh thái từ TPBank, TPS định hướng phát triển lĩnh vực gồm: Ngân hàng đầu tư, dịch vụ môi giới và quản lý tài sản chuyên nghiệp.

Trong cơ cấu cổ đông của TPS, cổ đông lớn nhất là TPBank với tỷ lệ sở hữu cổ phần chiếm 9,01% vốn điều lệ.

Ông Đỗ Anh Tú là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong và là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty CP Diana thuộc Tập đoàn Unicharm.

Hiện, ông Tú cũng đang sở hữu hơn 58,5 triệu cổ phiếu TPBank. Với số cổ phiếu này, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Tú là hơn 1.600 tỷ đồng tính đến sáng 26/9/2022 và đứng vị trí thứ 81 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

tp-bank-ktxh-1666190984.jpg
Ông Đỗ Anh Tú - Chủ tịch HĐQT TPS kiêm Phó Chủ tịch HĐQT TPBank.

Ngoài ông Tú, một lãnh đạo chủ chốt khác của TPS là bà Trương Thị Hoàng Lan - Thành viên độc lập HĐQT cũng là cái tên đóng vai trò lớn tại TPBank.

Năm 2022, TPBank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng mà Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra về trái phiếu.

Tại báo cáo cập nhật về TPBank, Chứng khoán VNDirect cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tác động tiêu cực đến lợi tức tài sản và hệ số NIM (sự chênh lệch tỷ lệ giữa thu nhập lãi và ngân sách phải trả) của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.

Theo đó, việc quản lý dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu đã phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn như TPBank.