Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 47,83 điểm (-3,55%), xuống 1.299,31 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 24,1% xuống 96.596 tỷ đồng, khối lượng giảm 19% xuống 2.978 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 1,03 điểm (+0,34%), lên 307,76 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 20,6% xuống 13.810 tỷ đồng, khối lượng giảm 14,3% xuống 639 triệu cổ phiếu.
Gần như toàn bộ các ngành đều giảm, chỉ có ngành dầu khí nhích lên nhờ PLX (+0,6%), PVD (+3,5%), PVS (+6%), BSR (+3,5%), OIL (+0,8%) ...
Nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường là ngân hàng giảm mạnh nhất với tất cả đều suy giảm mạnh, với các cổ phiếu như VCB (-6,6%), CTG (-7,8%), BID (-5,3%), TCB (-8,8%), VPB (-6,3%), MBB (-6,12%), ACB (-4,5%), STB (-2,23%), TPB (-8,38%), HDB (-4,43%), LPB (-5,02%), MSB (-2,2%), OCB (-6,79%), SSB (-2,83%), VIB (-14,4%) ...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng lùi bước với các mã trụ cột như HVN (-2,3%), VJC (-2,9%), MWG (-4,8%), DGW (-10,1%) ...
Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất có các cổ phiếu bất động sản vừa như HCD, PHC, TEG và HDG.
Trong đó, quán quân tăng giá thuộc về HCD, với hai phiên tăng kịch trần đáng kể ngày 13 và 14/7, thanh khoản cũng có sự gia tăng đáng kể so với tuần trước đó, mặc dù gần đây HCD không có thông tin nào mới đáng kể. Ngoại trừ việc thông báo thay đổi thời gian trả cổ tức đợt 2/2017 sang này 19/8/2021, sớm hơn gần 1,5 tháng so với thông tin trước đó.
Cổ phiếu PSH được mua bắt đáy mạnh với hai phiên tăng trần ngày 13/7 và 16/7 và một phiên +5,5%, sau khi khởi động tuần bằng một phiên giảm sàn và 4 phiên trước đó đóng cửa trong sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu đáng chú ý nhất là mã ngân hàng VIB, khi cũng là cổ phiếu giảm sâu nhất trong nhóm bank tuần này. Giá cổ phiếu VIB ngoài chịu tác động chung từ thị trường còn vấp phải áp lực chốt lời khá lớn, khi liên tiếp phá đỉnh và chạm mức cao nhất tại 74.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 1/6, trước khi điều chỉnh do chia cổ tức sau đó.
Cổ phiếu MHC sau khi tạo đỉnh từ đầu tháng 6 cũng tại mức trên 16.000 đồng/cổ phiếu, đã liên tục lao dốc cho đến nay. Các cổ phiếu còn lại như FIT, SHI, PGD, CIG, MIG bị chốt lời mạnh, sau khi tăng lên mức đỉnh ngắn hạn trong tuần trước đó.
Trên sàn HNX, ở nhóm các mã tăng mạnh nhất, đa phần đều chỉ có thanh khoản thấp, ngoại trừ HDA và HAP, khi khớp lệnh có trung bình vài trăm nghìn đơn vị/phiên.
Ở chiều ngược lại, tương tự các mã giảm sâu phần lớn chỉ có thanh khoản thấp, trừ VHE, khi trung bình khớp hơn nửa triệu đơn vị/phiên trong tuần này và có 4 phiên giảm sàn liên tiếp từ 12 đến 15/7, trước khi được mua bắt đáy mạnh trong phiên cuối tuần và tăng kịch trần.
Lạc Nhạn
TNCK