Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 2 đến nay với mức sụt giảm gần 11% (trước phiên 15/7) của chỉ số lớn nhất thị trường VN-Index.

Đến cuối ngày 15/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.293,92 điểm, vẫn cao hơn 15,5% so với đầu năm nhưng đã giảm 9% so với đỉnh gần nhất vào đầu tháng 7.

Trong đợt điều chỉnh này, cổ phiếu ngành chứng khoán là nhóm chịu tác động mạnh nhất khi hầu hết đều ghi nhận mức giảm 2 chữ số so với đỉnh đầu tháng.

Cụ thể, nhiều cổ phiếu của các công ty chứng khoán đầu ngành đều chịu mức giảm sâu như VCI (Chứng khoán Bản Việt) giảm 14%; SSI (Chứng khoán SSI) giảm 17%; HCM (Chứng khoán TP.HCM) giảm 20%; SHS (Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội) giảm 21%; VND (Chứng khoán VNDirect) và MBS (Chứng khoán MB) cùng giảm 22%.

Thậm chí, nhóm HBS (Chứng khoán Hòa Bình) và BVS (Chứng khoán Bảo Việt) còn ghi nhận mức giảm gần 30% so với đỉnh đầu tháng 7.

Tuy vậy, trong những phiên gần đây, chứng khoán lại là nhóm ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất thị trường. Trong đó, nhiều cổ phiếu đã thu hẹp đà giảm so với đầu tháng 7 xuống mức trên dưới 10%.

Co phieu chung khoan co tang tiep nua cuoi nam? anh 1

Hầu hết cổ phiếu chứng khoán đều đã bị điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 7 đến nay. Nguồn: Tradingview.

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại

Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research mới đây đã có báo cáo đánh giá về triển vọng ngành chứng khoán nửa cuối năm 2021, trong đó, dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm sẽ thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm.

Cụ thể, dữ liệu của SSI Research cho biết lợi nhuận nửa đầu năm nay của 4 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đã tăng 155,3% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là nhờ giá trị giao dịch trung bình đạt 22.800 tỷ đồng/phiên, tăng tới 375% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù vẫn còn đó những trợ lực cho sự tăng trưởng, nhưng SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm công ty này sẽ về mức bình thường trong nửa cuối năm 2021 (khoảng 7,7%). Một trong các nguyên nhân đến từ nền so sánh cao của nửa cuối năm 2020.

Với ước tính này, tăng trưởng lợi nhuận cả năm nay của nhóm công ty chứng khoán sẽ vào khoảng 66,8%.

Trong phần còn lại của năm nay, SSI Research cho rằng động lực tăng trưởng lợi nhuận của các công ty chứng khoán vẫn sẽ đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách mở rộng thận trọng. Trong đó, lãi suất thị trường có thể tăng 0,5 điểm %, cùng với đồng USD yếu đi.

Trợ lực thứ hai là thanh khoản thị trường tích cực, được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, nhu cầu tiêu dùng yếu, hoạt động kinh doanh ảm đạm và xu hướng gia tăng nhà đầu tư mới.

THANH KHOẢN BÌNH QUÂN PHIÊN TRÊN SÀN HOSE
Nguồn: HoSE, Tổng hợp
Nhãn Tháng 1/2020 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Tháng 1/2021 2 3 4 5 6 Từ đầu tháng 7
Thanh khoản bình quân hàng tháng tỷ đồng/phiên 3670 3687 4276 4230 5660 6750 4751 5102 6692 8266 8592 12567 17043 14094 15576 18473 22425 23697 24405

Các chuyên gia ước tính giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 18.000 tỷ đồng/phiên cho cả năm 2021 và sẽ tăng lên 20.700 tỷ/phiên vào năm 2022.

Công ty chứng khoán cũng hưởng lợi khi thị trường đón nhận dòng tiền mới từ các nhà đầu tư cá nhân. Trong nửa đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở 620.000 tài khoản mới, cao hơn 50% so với cả năm 2020 trước đó.

Đáng chú ý, nhóm nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng sử dụng tài khoản ký quỹ nhiều hơn so với nhà đầu tư tổ chức, đây là động lực cho thanh khoản và hoạt động cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán.

Theo tính toán, các quỹ ETF đã thu hút 560 triệu USD vào thị trường Việt Nam thời gian qua, chủ yếu thông qua Fubon ETF (340 triệu USD). Ngược lại, dòng tiền ra là 185 triệu USD. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bơm ròng 410 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt 6 tháng đầu năm và xu hướng này sẽ còn tăng trong nửa cuối năm.

Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới trên HOSE (vận hành từ 5/7) sẽ tăng đáng kể thanh khoản và biến động của thị trường.

Diễn biến ra sao từ nay đến cuối năm?

Một trong những động lực cho tăng trưởng của các công ty chứng khoán là việc tăng được vốn. Hiện 4 công ty chứng khoán lớn nhất đã có kế hoạch tăng thêm 6.300 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, nguồn vốn mới này có thể giúp ngành tăng trưởng, đặc biệt là cho vay ký quỹ, tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.

Theo SSI Research, cổ phiếu chứng khoán từ đầu năm đã tăng nhờ triển vọng lợi nhuận rong năm 2021 tăng 66,8% và năm 2022 tăng 21,4%.

Co phieu chung khoan co tang tiep nua cuoi nam? anh 2

Cổ phiếu chứng khoán vẫn còn dư địa tăng trong nửa cuối năm 2021 nhưng không còn lớn như nửa đầu năm. Ảnh: Việt Linh.

Theo đó, P/E (giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) và P/B (giá trên giá trị sổ sách) dự phóng 1 năm của 4 cổ phiếu chứng khoán niêm yết lớn nhất sẽ vào khoảng 12,3 lần và 2,4 lần, cao gấp 3 so với mức đáy trong năm 2020 (3,8 lần và 0,65 lần) và đang gần mức đỉnh lịch sử năm 2018 (19,4 lần và 2,8 lần).

Trong khi đó, ghi nhận trong báo cáo của FiinGroup, mức tăng của cổ phiếu chứng khoán từ đầu năm đã đưa nhóm này lên một mặt bằng định giá mới với P/B ở mức 2,1 lần, gần gấp đôi so với trung bình 3 năm gần nhất (1,2 lần).

Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng cổ phiếu chứng khoán vẫn có thể duy trì được sức hấp dẫn do P/B tương lai 2021 hiện mới ở mức 1,4 lần với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm nay.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu có tỷ lệ đóng góp thu nhập từ hoạt động môi giới cao, năng lực vốn đủ lớn để gia tăng dư nợ và lợi nhuận từ cho vay ký quỹ sẽ giúp gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch.

Mức định giá tương lai thấp hơn đáng kể so với định giá gần nhất sẽ giúp các cổ phiếu có dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm nay và các năm tiếp theo.

Trong đó, các cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng tăng mạnh nhất từ nay đến cuối năm là HCM, SSI và VND. Đây cũng là nhóm công ty có thị phần môi giới top đầu thị trường và mức tăng từ đầu năm thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành.

QUANG THẮNG