Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu đang trở thành chủ đề “nóng” ở thời điểm hiện tại sau khi ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt và 9 lô trái phiếu do các công ty trong hệ sinh thái phát hành bị hủy.

Mới đây, các cơ quan chức năng đã ráo riết thanh tra nhiều vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021 được Bộ Tài chính công bố nhận được sự chú ý lớn từ dư luận.

Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân

Trong danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất năm 2021 do Bộ Tài chính công bố, Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Địa ốc Việt Hân) phát hành 4.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Việt Hân cũng đã phát hành hàng loạt lô trái phiếu có tổng giá trị lên đến 6.000 tỷ đồng chỉ trong hai ngày 27 và 28/8. Đáng chú ý, lố trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm và không có tài sản đảm bảo. Đến đầu năm 2022, công ty này tiếp tục phát hành thêm 300 tỷ đồng trái phiếu.

Địa ốc Việt Hân được thành lập từ năm 2006, do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2016, ông Đinh Trường Chinh đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Người thay ông Đinh Trường Chinh là ông Bùi Quang Tuấn (SN 1980), vốn là Tổng Giám đốc TNI Holdings, một thành viên của TNG Holdings (công ty mẹ của TNR Holdings) chuyên đầu tư phát triển các khu công nghiệp.

Đến tháng 9/2019, ông Bùi Quang Tuấn không còn giữ chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện Công ty Việt Hân, thay vào đó là bà Bùi Thanh Thúy (sinh năm 1988). Tuy nhiên, vị trí này tiếp tục được thay bởi bà Đào Thị Kim Nhung (sinh năm 1992) từ ngày 10/4/2021 đến nay.

Việt Hân trong giai đoạn được lãnh đạo bởi ông Đinh Trường Chinh được biết đến với nhiều dự án quy mô như Dream City (Phú Thọ), Castle Plaza, Skypark Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu), dự án Goldmark City tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tuy nhiên, ngoài dự án Goldmark được hoàn thiện và bàn giao thì các dự án khác đều trong tình trạng “đắp chiếu”.

Các dự án khác cũng liên tục bị "khai tử" hoặc thu hồi. Cụ thể, năm 2018, dự án Khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng thể thao Dream City tại huyện Tam Nông đã bị UBND tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định “khai tử” sau gần thập kỷ “để không”.

Cũng trong năm 2018, Việt Hân còn bị thu hồi liên tiếp 3 dự án bất động sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu do không thực hiện triển khai là dự án Khu dân cư Việt Hân 3, Khu dân cư Việt Hân 5 tại thị trấn Long Hải và dự án Khu đô thị mới Skypark Long Điền tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền.

Tuy nhiên ngay sau đó, Việt Hân liên tục liên danh với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TNG Group để làm chủ đầu tư nhiều dự án mới. Điển hình như năm 2018, công ty liên danh cùng TNR Holdings làm dự án Đầu tư xây dựng Khu biệt thự sông Uông, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tại tỉnh Tiền Giang, Việt Hân liên danh cùng CTCP đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang (thành viên TNI Holdings thuộc hệ sinh thái TNG Holdings) để thực hiện dự án đường Trương Định và khu dân cư hai bên đường.

Một dự án khác do Liên danh Công ty Việt Hân và Công ty Hạ tầng Nam Quang làm chủ đầu tư là dự án Khu đô thị Tây Bắc II, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk. Dự án được giao cho liên danh này làm chủ đầu tư năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Ngoài ra, Việt Hân còn là chủ đầu tư dự án phát triển đô thị số 9A – phường Sông Hiến thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; Dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

CTCP Bất động sản HANO-VID

Ngoài Địa ốc Việt Hân, song hành cùng TNR Holdings trong các dự án lớn còn có CTCP Bất động sản HANO-VID. Trong thời gian 3 năm trở lại đây, HANO-VID và TNR Holdings liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ, có quy mô từ vài chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tháng 1/2021 UBND tỉnh Bình Định ra quyết định 354/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Long Vân 2 tại phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn cho nhà đầu tư liên danh Công ty CP Bất động sản HANO-VID và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang với tổng mức đầu tư dự án dự kiến gần 2.457 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện hơn 491 tỷ đồng; còn lại là vốn huy động từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Thăng Long.

Tháng 1/2020, HANO-VID được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư khu dân cư tại quỹ đất giáp mặt đường Âu Cơ, TP Yên Bái. Dự án có quy mô 4,33 ha, tổng vốn đầu tư hơn 247 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 1/2020 UBND tỉnh Đắc Nông đã chỉ định HANO-VID thực hiện Dự án Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú với tổng mức đầu tư thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất gần 685 tỷ đồng.

Đầu năm 2020, HANO-VID cũng là một trong hai doanh nghiệp trúng sơ tuyển dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 2 (Hà Tĩnh) với tổng diện tích đất sử dụng là 14,57 ha, tổng mức đầu tư hơn 403 tỷ đồng.

Tháng 4/2020, HANO-VID cũng là nhà đầu tư trúng thầu dự án Khu dân cư tổ 6, tổ 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức chỉ định thầu với tổng chi phí thực hiện dự án gần 324 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2020, HANO-VID tiếp tục là đơn vị trúng thầu dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tổng vốn đầu tư là 799 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất).

Tháng 8/2020, HANO-VID là nhà đầu tư được chỉ định thầu thực hiện dự án Khu dân cư tại thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 522 tỷ đồng.

Tháng 10/2020, HANO-VID một lần nữa được xướng tên trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư lô số 3A, dọc suối Nậm La, TP Sơn La với số tiền hơn 111 tỷ đồng.

HANO-VID là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thuộc Tập đoàn TNG Holdings, được thành lập năm 2010 bởi ba pháp nhân là: CTCP Dệt Hà Đông, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings), Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thế Đạt.

Tại thời điểm cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của HANO-VID chỉ là 330 tỷ đồng, sau đó tăng dần lên 512 tỷ đồng (2017), 1.004 tỷ đồng (2018), 2.627 tỷ đồng (2019) và 3.873 tỷ đồng (2020).

Vốn tại HANO-VID tăng rất mạnh trong 5 năm, tăng tới 3.543 tỷ đồng. Thế nhưng, con số này khiêm tốn hơn rất nhiều so với nợ. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả tại công ty là 11.289 tỷ đồng, tăng 8.979 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Phần lớn nguồn tiền này đến từ việc phát hành trái phiếu. Trong năm 2020, HANO-VID đã huy động thành công gần 8.655 tỷ đồng trái phiếu. Các trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 - 7 năm.

Trong tháng 3/2022, HANO-VID đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Trước đó, trong năm 2020, HANO-VID cũng nằm trong danh sách những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất với tổng giá trị hơn 8.600 tỷ đồng. Năm 2021, HANO-VID chỉ có một thông báo mua lại trái phiếu trước hạn giá trị 200 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2016-2020), 2017 là năm duy nhất HANO-VID đạt 1.421 tỷ đồng. 2019 là “đáy” khi công ty chỉ thu về 21,4 tỷ đồng. Tới 2020, chỉ tiêu này phục hồi nhưng cũng chỉ đạt 670 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2017.

Tuy nhiên, lợi nhuận tại HANO-VID rất khiêm tốn, không tương xứng với quy mô tổng tài sản, chỉ đạt 9,5 tỷ đồng, 167 tỷ đồng, 19,8 tỷ đồng, 21,4 tỷ đồng và 92,6 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Bất động sản Mỹ (CTCP Bất động sản Mùa Đông - VID)

Một doanh nghiệp bất động sản khác thuộc TNG cũng rất tích cực phát hành trái phiếu huy động vốn là Bất động sản Mỹ. Trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, công ty này đã phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu, đều với kỳ hạn 7 năm.

Bất động sản Mỹ tiền thân là CTCP Bất động sản Mùa Đông - VID, được thành lập vào ngày 28/9/2007, có trụ sở tại GoldSeason TNR số 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Quỹ đất của doanh nghiệp này trong hai năm gần đây tăng lên nhanh chóng khi doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu nhiều dự án lớn, trải dài khắp các tỉnh từ Bắc tới Nam.

Chỉ trong năm 2021, Bất động sản Mỹ đã trúng thầu với các dự án như Khu đô thị Trà Quang Nam tại Bình Định (quy mô khoảng 27,1 ha tổng vốn đầu tư hơn 1.457 tỷ đồng), Khu đô thị mới thị xã Ngã Bảy 2, Hậu Giang (quy mô 10ha) hay Khu nhà ở đô thị Hùng Sơn tại Phú Thọ (tổng diện tích sử dụng đất 163.750 m2, tổng vốn đầu tư gần 730 đồng).

TNR cũng phát hành hàng nghìn tỷ trái phiếu

Tập đoàn Đầu tư TNG (TNG Holdings) tiền thân là Tập đoàn VID (VID Group) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. Với việc liên tục trúng thầu loạt dự án với quỹ đất “khủng” ở các tỉnh, để có tiền triển khai dự án, TNR Holdings cấp tập huy động vốn qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có trái phiếu.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong quý 1/2020, TNR Holdings đã huy động 5.347 tỷ đồng từ trái phiếu với 2 loại kỳ hạn 36 tháng và 60 tháng. Tất cả đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 10,9%/năm và trả lãi hàng năm.

Tính chung 4 tháng đầu năm, số tiền công ty đã huy động từ trái phiếu lên đến 8.272 tỷ đồng với 200 lô và là tổ chức phát hành nhiều nhất.

Tháng 4/2020, TNR Holdings tiếp tục phát hành 2.925 tỷ đồng trái phiếu thông qua 60 lô. Lượng trái phiếu này cũng đều là loại không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu 60 tháng với lãi suất cố định 10,9%/năm, trả lãi hàng năm.

Bước sang 2021, TNR Holdings dù “hạ nhiệt”, TNR Holdings vẫn hút hàng nghìn tỷ đồng từ huy động trái phiếu. Trong khoảng thời gian từ 15/11-2/12, TNR Holdings đã huy động thành công 500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10%/năm, kỳ hạn 7 năm.

Một tổ chức đầu tư trong nước đã mua trọn lô trái phiếu này của TNR dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán HDB (HDBS) và Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam (MSB).

Trước đó trong giai đoạn 18/10-8/11/2021, TNR Holdings cũng đã phát hành 3 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.

Đến ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.