Ngày nay, cuộc sống hiện đại với đa dạng sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da giúp mỗi người thêm tự tin và hoàn thiện vẻ đẹp của mình. Trên thị trường, bên cạnh doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm chân chính vẫn có không ít đơn vị vì lợi nhuận mà bất chấp quy định pháp luật, thổi phồng công dụng mỹ phẩm như thuốc trị bệnh. Đây là việc làm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng khi mắc một số bệnh liên quan đến da liễu để bán được nhiều sản phẩm. Hơn hết, những sản phẩm thổi phồng công dụng, chất lượng liệu có đảm bảo an toàn, đây cũng là dấu hiệu “lừa dối” người tiêu dùng của những doanh nghiệp không chân chính.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo”.
Cùng với đó, việc sử dụng câu từ quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Là mỹ phẩm nhưng sản phẩm này được gắn thêm công dụng đặc trị mụn viêm.
Quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên thời gian qua, Chất lượng Việt Nam ghi nhận không ít đơn vị vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó, thương hiệu HiBeauty thuộc Công ty TNHH thương mại CHIDORI có địa chỉ tại 202/31/22 Phạm Văn Hai, P. 5, Q. Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh liên tục bị phản ánh quảng cáo “thổi phồng” công dụng một số sản phẩm mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh nhằm đánh vào tâm lý người dùng.
Có thể thấy rõ điều này trên website bán hàng ở địa chỉ trang thương mại điện tử https://hibeauty.vn liên tục quảng cáo nhiều sản phẩm mỹ phẩm với công dụng trị mụn, điều trị nám, đặc trị bênh về da…
Cụ thể, với sản phẩmIvatherm Ivapur AI có xuất xứ từ Pháp được quảng cáo công dụng đặc trị mụn sưng viêm; Sản phẩm Christina Comodex Correct & Prevent Gel có xuất xứ Israel quảng cáo thành Gel trị mụn diệt khuẩn - chức năng không khác gì các loại thuốc chữa bệnh; Sản phẩm BABÉ Stop Akn Spot Control Gel có xuất xứ từ Tây Ban Nha cũng được quảng cáo công dụng đặc trị mụn; Sản phẩm AnteAGE® Eye quảng cáo điều trị bọng mắt, thâm... Ngoài ra, nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác được đăng bán trên trang website quảng cáo như thuốc trị bệnh.
Theo các chuyên gia y khoa, người bệnh khi bị bệnh về da nên đến bệnh viện chuyên khoa da liễu thăm khám và có phác đồ điều trị hiệu quả. Không nên vì tin những sản phẩm bán tràn lan trên mạng "thổi phồng" công dụng coi mỹ phẩm như thuốc trị bệnh vừa tốn tiền lại không đạt hiệu quả như mong đợi.
Người tiêu dùng không nên nhẹ dạ cả tin vào những quảng cáo chọn mua sản phẩm "thổi phồng" công dụng.
Theo Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nếu đối chiếu quy định trên có thể thấy, các hoạt động quảng cáo trên website kể trên đã vi phạm pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa mỹ phẩm với thuốc. Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm bán trên trang thương mại điện tử HiBeauty thuộc Công ty TNHH thương mại CHIDORI nếu chất lượng không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường khi đã sử dụng sản phẩm?
Người tiêu dùng không nên chọn mua những sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng tại đây.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hoạt động kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Zalo, Facebook…) diễn ra ngày càng nhiều, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.
Qua công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ đã công bố, thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không thông báo với cơ quan quản lý theo quy định. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; Một số sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng lại quảng cáo vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.
Vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác đang được trang thương mại điện tử này thổi phồng công dụng với tính năng "trị" bệnh.
Cũng theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần, công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh sản phẩm nêu trên.
NPV