Chiêu trò quảng cáo mỹ phẩm Ulanni như thuốc, lừa dối người tiêu dùng

Hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm Ulanni (thuộc Công ty TNHH PT ULA do CEO Phạm Thị Thoả điều hành) đang được quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người dùng.

Quảng cáo sai sự thật, "thổi phồng" công dụng mỹ phẩm Ulanni

Theo Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Mặc dù quy định về quảng cáo mỹ phẩm đã có, thế nhưng trên website ulanni.vn và một số trang mạng xã hội, các sản phẩm mỹ phẩm Ulanni (thuộc Công ty TNHH PT ULA) đang được quảng cáo rất rầm rộ với nhiều thông tin gây nhầm lẫn rằng đây là một sản phẩm thuốc có khả năng điều trị nám, điều trị mụn. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là những sản phẩm mỹ phẩm dùng ngoài da và không có công dụng "điều trị" như quảng cáo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH PT ULA do bà Phạm Thị Thoả (CEO Phạm Thoả) điều hành. Công ty này có địa chỉ ở tầng 2 Toà Nhà TNT, đường Lê Thái Tổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.

Phần giới thiệu về Công ty TNHH PT ULA quảng cáo mỹ phẩm Ulanni có công dụng trị nám. Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật.

Khi truy cập vào địa chỉ website ulanni.vn, người dùng ngay lập có thể thấy được phần giới thiệu về doanh nghiệp với nội dung: "Công ty TNHH PT ULA hoạt động trong lĩnh vực phân phối mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Công ty chúng tôi được sáng lập và điều hành bởi Tổng giám đốc Phạm Thị Thỏa... Mỹ phẩm Ulanni là sản phẩm hỗ trợ trẻ hóa, phục hồi và nuôi dưỡng da, trị nám, mụn, sẹo rỗ... Với thành phần chiết suất hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên cao cấp, quý hiếm nên rất an toàn và cực kỳ lành tính".

Như vậy có thể thấy, ngay từ phần giới thiệu về doanh nghiệp đã có những thông tin sai sự thật được đưa ra. Việc mỹ phẩm Ulanni quảng cáo có khả năng "trị nám" là chưa đúng theo quy định pháp luật hiện hành về quảng cáo mỹ phẩm, chưa đúng với công dụng, chất lượng đã được cơ quan y tế cấp phép.

Cũng trên website này, sản phẩm Huyết thanh điều trị được quảng cáo có "chiết xuất từ Arbutin, Hyaluronic Acid, Vitamin C, Kojic, liquorice, Cetearyl Alcohol, C12 15 Alkyl Benzoate, Titanium Dioxide, Alpha-Arbutin, Triethanolamine, Salicylic Acid..." và có công dụng "ức chế sản sinh sắc tố melanin, giúp giảm nám, tàn nhang, thâm sạm hiệu quả, bổ sung độ ẩm giúp cải thiện da khô, căng bóng tự nhiên, giảm lão hóa và nếp nhăn nhỏ, phục hồi nhanh, chống oxy hóa, nuôi da khỏe mạnh". Tuy nhiên, nhiều công dụng được quảng cáo không có trong cấp phép của cơ quan y tế.

Sản phẩm Huyết thanh điều trị đang được quảng cáo với nhiều thông tin gây hiểu nhầm, không đúng bản chất, công dụng thực sự của sản phẩm.

Một sản phẩm khác có tên Tế bào gốc cũng được quảng cáo có công dụng "phục hồi làn da tổn thương sau lăn kim, lazer, peel, hư tổn, bỏng, điều trị sẹo rỗ..." Hay như sản phẩm Pigment FEC cũng được quảng cáo có công dụng: "Phá hủy sắc tố nám ở dưới tầng sâu tới tận lớp nguyên bào sợi, đồng thời quét chân nám, bớt sắc tố màu nâu, đen... Giúp lấy sạch chân nám đến 90% sau 1 lần duy nhất mà không gây tổn thương, ngoài ra còn giúp tăng sinh collagen và làm đầy vết thương kháng khuẩn, kháng viêm, phục hồi vết thâm sau mụn và phục hồi làn da tăng sắc tố".

Sản phẩm Tế bào gốc được quảng cáo có khả năng "điều trị sẹo rỗ". Trên thực tế, mỹ phẩm không được quảng cáo có công dụng "điều trị".

Nhìn vào những phân tích trên có thể thấy, mặc dù chỉ là mỹ phẩm nhưng các sản phẩm nêu trên lại được Công ty TNHH PT ULA quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sai quy định pháp luật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm trên đã được cấp phép trước khi đưa ra thị trường hay chưa? Tại sao Công ty TNHH PT ULA lại quảng cáo mỹ phẩm giống thuốc chữa bệnh? Nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường?

Website mới lập, hoạt động quảng cáo có được cấp phép?

Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã liên hệ tới số điện thoại của Công ty TNHH PT ULA. Ở đầu dây bên kia, một phụ nữ tự nhận là đại diện công ty cho phóng viên biết, website ulanni.vn mới được lập ra cách đây không lâu để đăng thông tin về sản phẩm.

Theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn, quảng cáo mỹ phẩm là hình thức quảng cáo bắt buộc phải xin giấy phép cho nội dung quảng cáo. Doanh nghiệp chỉ được phép quảng cáo cho sản phẩm mỹ phẩm khi được cơ quan cấp phép cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm. Tuy nhiên, hiện tại chưa rõ Công ty TNHH PT ULA đã có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm hay chưa?

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tòa soạn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có).

Theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo các sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế tiếp tục rà soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, kiểm tra lại toàn bộ nội dung trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Sở Y tế cấp số tiếp nhận thời gian qua; Cập nhật thường xuyên danh mục các chất sử dụng trong mỹ phẩm, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm theo quy định;

Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành; Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.

Nhóm Phóng viên