Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên website/đường link: https://gcoopviet.com/thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-general-balance-rocket-power-sp488.html đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe General Balance Rocket Power gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe General Balance Rocket Power do Công ty TNHH GCOOP Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1 - tầng 2, tòa nhà chung cư cao tầng CT1-CT2 (Green Park), phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

vi-pham-quang-cao-1669767848.jpg
TPBVSK General Balance Rocket Power vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo

 
Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.

Theo đó, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng được cho là hành vi vi phạm trái pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung theo quy định của luật quảng cáo hoặc căc văn bản pháp luật khác có liên quan, gây ảnh hưởng đến xã hội, hay một đối tượng cụ thể ví đụ như là người tiêu dùng. Và mọi hành vi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân tổ chức vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự. Và đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và cũng là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới đời sống sức khoẻ của nhân dân. 

Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, (có hiệu lực từ 20/10/2018) thay thế cho Nghị định số 178/2013/NĐ-CP với mức xử phạt cao hơn, mang lại giá trị răn đe tốt hơn với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn so với Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: Quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần phải lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

5 điểm người tiêu dùng cần lưu ý trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

- Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/  trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

- Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

- Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và Nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; 

- Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.