Pháp luật có cấm nuôi chó, mèo ở chung cư không?

Chó, mèo là những vật nuôi phổ biến trong các gia đình. Nhưng không phải ai cũng biết đến những quy định của pháp luật đối với loại vật nuôi này ở chung cư.
Bất động sản - Pháp luật có cấm nuôi chó, mèo ở chung cư không?

Pháp luật có cấm nuôi chó, mèo ở chung cư không? (Ảnh minh họa)

Cấm chăn thả gia súc, gia cầm trong chung cư

Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Theo đó thì căn hộ chung cư cũng được coi là không gian sống riêng biệt của gia đình.

Khoản 3, Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014, “Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư” là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Ngoài ra, theo Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD, một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi sống ở chung cư là chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư.

Trong khi đó, Luật Chăn nuôi 2018 định nghĩa gia súc là loại động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Theo định nghĩa nêu trên, chó, mèo cũng được coi là những loài gia súc, thay vì chỉ gồm những vật nuôi để lấy sức kéo, lấy thịt… theo quan điểm truyền thống như: trâu, bò, dê, cừu…

Chính vì chung cư có nhiều không gian sinh hoạt chung như: sân chơi, cầu thang, thang máy, hành lang...thế nên nhà làm luật đã đề ra quy định cấm hành vi nuôi gia súc, gia cầm để tránh gây mất trật tự, cũng như đảm bảo sự an toàn và vệ sinh chung cho người dân. Do đó, việc cấm nuôi chó, mèo trong chung cư được cho là có cơ sở.

Từng chung cư áp dụng nội quy riêng

Thực tế cho thấy, Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng chỉ được coi là một mẫu văn bản để Ban quản lý các chung cư tham khảo và xây dựng nội quy riêng cho nhà chung cư của mình.

Do đó, khó có thể coi nội dung trong Mẫu nội quy nêu trên là một quy định của pháp luật. Việc cấm nuôi chó, mèo ở chung cư hay không phụ thuộc vào nội quy riêng của từng chung cư, được xây dựng dựa trên sự thống nhất với các cư dân chung cư đó.

Có những chung cư nghiêm ngặt việc nuôi chó, mèo, do lo ngại mất vệ sinh chung hoặc gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới an toàn của những người sống tại chung cư nhưng cũng có chung cư có quy định “cởi mở” hơn, tạo điều kiện cho những người yêu thích chó, mèo sống cùng thú cưng của mình.

Như vậy, đối với các hành vi thuộc diện bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 và Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP nêu trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư thì bắt buộc các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải thực hiện.

Đối với các hành vi nghiêm cấm khác ngoài các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định trong Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì do hội nghị nhà chung cư thảo luận, quyết định bổ sung hoặc không bổ sung vào bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo quy định tại điểm e, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi.

Hoàng Mai