Trong báo cáo mới được công bố, Chứng khoán Everest (EVS) đánh giá trong tháng 9, thị trường và nhà đầu tư đã trải qua những phiên giao dịch khó khăn do ảnh hưởng (1) Dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất kinh doanh kéo dài lên các doanh nghiệp. Tác động chung đến nền kinh tế phản ảnh rõ nét đến GDP quý 3/2021 sụt giảm 6,17% và là quý thấp nhất kể từ khi Việt Nam ghi nhận GDP từ 2000, (2) Ảnh hưởng tâm lý lên nhà đầu tư từ sự vụ Evergrande tác động đến nhóm cổ phiếu bất động sản niêm yết trên sàn, (3) Triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng kém đã tạo áp lực lên thị trường chung cũng đóng góp chính vào xu hướng kéo chỉ số VN-Index sụt giảm trong tháng 9.
Giá trị dòng tiền cũng có sự phân hoá mạnh trong tháng 9, nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vốn hoá vừa hút mạnh dòng tiền, chiếm tỷ trọng lớn 55% trong khi nhóm vốn hoá lớn từ mức 55% sụt giảm mạnh về mức 45%.
Everest cho rằng những điều xấu nhất đã đi qua trong tháng 9, tuy nhiên nền kinh thế và thị trường cần thời gian để tích luỹ và dần hồi phục trở lại. Ngoài ra, dù dịch bệnh đã giảm nhiều nhưng số ca nhiễm trên toàn quốc vẫn còn cao, di chuyển và vận tải giữa các địa phương vẫn còn nhiều rào cản kéo theo chi phí tăng theo, lực lượng lao động hoặc thiếu hụt hoặc dịch chuyển về quê cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình tái khởi động trở lại của các doanh nghiệp.
Dù vậy, Everest cho biết những tín hiệu tốt bắt đầu xuất hiện như thặng dư thương mại trở lại trong tháng 9 hay FDI tiếp tục tăng trưởng. Nửa cuối tháng 9 bắt đầu ghi nhận mức thặng dư thương mại trở lại sau hơn 5 tháng thâm hụt liên tiếp và FDI duy trì tốc độ tăng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là những tín hiệu tích cực cho thấy sức hút của Việt Nam đối với cộng đồng đầu tư quốc tế.
Triển vọng tháng 10 từ thúc đẩy đầu tư công và gói hỗ trợ kinh tế
Yêu cầu từ Chính phủ đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công 3 tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461.000 tỷ đồng (9 tháng đầu năm giải ngân chưa đến 50%) nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Ngoài ra, doanh nghiệp và thị trường và người dân cũng đang chờ đợi những gói hỗ trợ tiếp theo nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống kinh tế của người lao động.
Everest dự báo lợi nhuận nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thuộc Top 50 (chiếm 89% đại diện thị trường) dự báo sụt giảm lợi nhuận 3,3% so với cùng kỳ, mức không quá lớn trong bối cảnh gần như nền kinh tế bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Trong đó nhóm Tài chính (Ngân hàng, và chứng khoán) dự báo sụt giảm 6,7%, trong đó Ngân hàng dự báo sụt giảm 9% so với cùng kỳ, ngược lại nhóm chứng khoán dự báo tăng trưởng khoảng 59% so với cùng kỳ.
Everest dự báo nhóm ngành Nguyên vật liệu ước tính mức tăng trưởng vượt trội nhất với 58%, nhóm bất động sản tăng 12,7% nhờ đóng góp chính từ VHM, trong khi sản xuất công nghiệp, trong đó gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và vận tải hàng không tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận âm.
Everest kỳ vọng thị trường đã phản ánh hầu hết các tiêu cực trong tháng 9 và cần thời gian đầu trong tháng 10 để nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong quý 4 và nhà đầu tư cần thời gian phân bổ và tích luỹ cổ phiếu trở lại trước khi thị trường đón nhận những dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn hơn cho việc hồi phục sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế giai đoạn những tháng cuối năm 2021.
Everest cho rằng những điều xấu nhất đã đi qua trong tháng 9, tuy nhiên nền kinh thế và thị trường cần thời gian để tích luỹ và dần hồi phục trở lại.
Lựa chọn cổ phiếu nào để đầu tư?
Dựa trên các phân tích và số liệu cũng như triển vọng trong quý 4, Everest khuyến nghị những cổ phiếu đơn lẻ thuộc các nhóm ngành sau có thể tiếp tục thu hút dòng tiền và nhà đầu tư có thể cân nhắc tích luỹ thêm hoặc mua mới trong tháng 10:
(1) Nhóm ngành Nguyên vật liệu gồm: HPG, PTB, HT1- Duy trì mức tăng LNST tăng trưởng vượt trội trong quý 3, tác động tích cực nhờ thúc đẩy đầu tư công, tăng mạnh từ thị trường xuất khẩu.
(2) Nhóm cổ phiếu thuộc ngành BĐS_KCN gồm: VHM, BCM- Duy trì LNST tăng quý 3 và tích luỹ tiền mặt dồi dào, cũng nhưng ảnh hưởng tích cực nhờ dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh và mở rộng quỹ đất phát triển khu công nghiệp.
(3) Ngành hàng tiêu dùng gồm: PNJ, VHC- Tăng công suất bù đắp lại, kết quả kinh doanh quý 3 có thể ảnh hưởng tiêu cực nhưng có thể sớm quay lại mạnh mẻ trong quý 4/2021, đặc biệt những tháng cuối năm nhờ tính mùa vụ (mùa sắm Tết, Noel) nhờ lực cầu tăng mạnh sau sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
(4) Các cổ phiếu thuộc ngành khác: GMD, DPM, PC1- Tăng trưởng LNST quý 3 nhờ nhu cầu tăng và giá sản phẩm dịch vụ tăng cao giai đoạn giãn cách làm thiếu hụt nguồn cung và các sản phẩm thay thế giúp các doanh nghiệp này tận dụng lợi thế và mở rộng sản xuất kinh doanh so với các đối thủ cạnh tranh.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị