“Anh thích bao nhiêu hàng bên em cũng có”

Trong vai một người đang có nhu cầu mua hàng số lượng lớn, hơn 100 chiếc Iphone 11 Pro Max để làm chương trình tri ân khách hàng cho dịp cuối năm của công ty. Nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã tiếp cận hệ thống cửa hàng Click Buy, Viễn Quang Mobile, 24h Store… các hệ thống này, nơi đâu cũng được nhân viên giới thiệu là “có giá cả cạnh tranh, thậm chí rẻ nhất thị trường” sẵn sàng cung cấp số lượng lớn khi khách hàng có nhu cầu và có nhiều chính sách hậu mãi cho khách giá sỉ.

Những chiếc điện thoại cao cấp "xách tay" thương hiệu Apple đang được tiêu thụ số lượng khủng trên thị trường TP HCM.

Tại hệ thống cửa hàng của Click Buy, một nữ nhân viên lập tức đon đả mời chào: “Anh cứ xem đi, ở bên em thì bất kỳ dòng máy nào cũng có cả. Anh muốn mua gì cũng có, chúng em luôn có hàng sẵn, nên mua số lượng nhiều cũng có thể đáp ứng ngay”.

Click Buy là một trong những cửa hàng bán điện thoại “xách tay” nhưng không xuất được hoá đơn.

Khi chúng tôi yêu cầu muốn mua hàng số lượng lớn về dòng máy Iphone để làm chương trình, vì mua hàng ở các cửa hàng chính nghạch giá cao quá, lập tức nhân viên của hệ thống cửa hàng của ngay lập tức chào mời và báo giá với hàng xách tay mới 99% có giá rẻ hơn thị trường chính nghạch cả chục triệu đồng.

Chúng tôi thắc mắc: “Thế hàng này muốn xuất hoá đơn thuế thì được không em?”, nữ nhân viên vội vả trả lời: “Ở bên em bán hàng này không thể xuất được hoá đơn thuế anh nhé! Nếu muốn xuất hoá đơn thuế thì tui em phải xuất cho anh các dòng máy khác, muốn xuất bao nhiêu bên em cũng xuất được nhưng dòng máy xách tay này thì không”.

Những dòng máy mới 99% được các cửa hàng mời chào nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nữ nhân viên còn cho biết thêm: “Nhưng tất cả các máy do bên em bán ra đều có chính sách bảo hành như máy mới”.

Tương tự, khi tìm hiểu vụ việc về vấn đề hoá đơn tại hệ thống của hàng của Viễn Quang mobile, một người đàn ông xưng là chủ của hàng thừa nhận: “Về vấn đề thuế, bên anh lách, biết là trốn thuế là sai với quy định, nhưng mà mặt hàng này thì làm sao mà xuất thuế được, khách hàng có nhu cầu thì mình bán thôi…”.

Trong nhiều ngày, nhóm phóng viên ghi lại được, hầu hết việc mua bán đều diễn ra với cách thức tương tự. Khi nào khách hàng có yêu cầu cần tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ, hay có nhu cầu xuất hoá đơn giá trị gia tăng, thì sẽ được nhân viên hệ thống các cửa hàng này hưởng dẫn khai báo qua một dòng máy khác để lách pháp luật. Còn tất cả các khách hàng mua lẻ khác đều trả tiền và ra về vì mình đã mua được một sản phẩm giá rẻ mà không cần để ý kỹ sản phẩm, không cần biết với việc mua bán hàng hoá nhập lậu như vậy là đang tiếp tay cho tội phạm buôn lậu hàng lộng hành lủng đoạn thị trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với việc hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động dòng cao cấp như: Click Buy, Viễn Quang, hay 24H Store rải khắp TP HCM. Tất cả các hệ thống này, hàng ngày cung cấp ra bên ngoài thị trường số lượng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc điện thoại mỗi ngày. Vậy số lượng hàng này được đi bằng đường tiểu ngạch như thế nào? Làm sao để qua mặt được các cơ quan chức năng? Đang là một dấu hỏi rất lớn mà dư luận cần câu trả lời từ phía các cơ quan quản lý như: ngành Hải quan, ngành Quản lý thị trường và Công an kinh tế…

“Hàng xách tay, chuyển bằng đường tiểu nghạch về Việt Nam?”

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết tất cả các hệ thống bán lẻ điện thoại lậu chỉ có một vài "ông trùm" trong nghành hàng này bỏ mối cho toàn thệ các hệ thống.

Anh T, một tay từng buôn hàng lậu điện thoại Iphone các dòng có mã như LL/A, ZA, J, T... cho biết: “Nguồn hàng được các đầu nậu liên hệ gom hàng ở nước ngoài chủ yếu là nguồn hàng tại Trung Quốc đi theo đường Thẩm Quyến theo xe khách qua của khẩu Móng Cái, theo đường tiểu nghạch về Việt Nam. Một đường đi khác là theo đường hàng không về sân bay Tân Sơn Nhất, dùng nhiều thủ đoạn, móc nối với lực lượng chức năng tại sân bay đưa hàng ra ngoài về kho tập kết.

Sau đó, hàng sẽ được phân loại như hàng mới 99%, 98%, mông má lại và cho vào hộp cùng với phụ kiện được bày bán với hàng gọi là “xách tay”, còn những hàng thấp hơn thì được dựng lại và bán với giá rẻ hơn gọi là hàng đã sài rồi, hay là hàng có một số lỗi nhẹ như bị trầy, xước… nhưng điểm chung là còn mới hơn 90%... với rất nhiều giá khác nhau. Khách hàng rất dễ bị gạt”.

Chúng tôi thử hỏi: “Không biết hàng ở bên mình (cửa hàng Click Buy và 24h Store) lấy từ đâu?”, thì một nữ nhân viên thú thật: “Hàng tụi em được chủ lấy từ kho hàng gốc do một đơn vị chuyên bỏ sỉ cung cấp cho bên em. Đơn vị này, chuyên gom hàng, chuyển về Việt Nam và phân phối, bên em chỉ là đơn vị bán”. Chúng em nhập hàng về thường xuyên nên luôn có lượng hàng lớn để đáp ứng nhu cầu của khách. Và bên em cũng có đầy đủ chủng loại, hàng của thương hiệu nào cũng có, hàng Mỹ hay hàng Sing sẵn sàng cung cấp với giá sỉ”.

Nữ nhân viên này cũng nhiệt tình hướng dẫn phân biệt đâu là các sản phẩm tốt, mã nguồn gốc, giá tiền so với hàng có mã VN/A (hàng chính ngạch)…

Không rõ, những đơn vị chuyên bỏ sỉ hàng lậu với số lượng lớn này là ai?. Có mối quan hệ thân thiệt như thế nào với các cơ quan chức năng chuyên quản lý ngành hàng này?. Nhưng coi bộ những đơn vị này, đang ngang nhiên tung hoành thị trường hàng điện thoại cao cấp “xách tay”. Với lượng hàng cung cấp hàng nghìn chiếc cho thị trường mỗi ngày như vậy?. Điểm mặt những cái tên chuyên bỏ sỉ hàng “xách tay” theo ghi nhận và tìm hiểu của nhóm phóng viên như: Đại Th Q6, Táo Q. S, Iphone giá sỉ, Ph. Th, Toàn Ph, T Uyên, Huy H Mobile…

Nhân viên cửa hàng điện thoại tư vấn hàng xách tay cho khách hàng.

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao những sản phẩm không nguồn gốc, không có hoá đơn chứng từ theo quy định, có dấu hiệu trốn thuế rất rõ như thế này, lại được các hệ thống cửa hàng trên ngang nhiên mua bán? Phải chăng các hệ thống cửa hàng này đã có một kết nối ngầm nào đó, đã được lực lượng chức năng bảo kê. Qua đó, hàng lậu được thoải mái kinh doanh với số lượng mua bán rất lớn, mà không bị kiểm tra xử lý, tịch thu hàng hóa theo quy định? Những đơn vị kinh doanh hàng chính ngạch đang thắc mắc công lý và pháp luật hiện đang ở đâu?

Theo Nghị định 98/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Link bài viết: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ky-2--nhung-cach-phu-phep-cho-hang-dien-tu-khong-giay-to-thanh-hang-xach-tay-o-tp-hcm-d136535.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR1EFkzaagjyJX-MZAgE1XavzfbDeHu4lEwacQng0satbYdux2IhQwE6KrU