Anh Mohammad Latif Khatana (41tuổi) đến từ Kashmir, Ấn Độ kể từ khi sinh ra đã có một khối u khổng lồ trên khuôn mặt. Dù là u lành tính nhưng theo thời gian, khối u này không ngừng phát triển và khiến mặt của Latif có những nếp nhăn chảy xệ đáng sợ. Chúng che phủ toàn bộ mắt, nửa mũi anh và truyền thông gọi Latif là "người đàn ông không có mặt".
Với khuôn mặt bất bình thường này, anh Latif không tránh khỏi hàng loạt khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ bị chế giễu, bắt nạt bởi người xung quanh, anh cũng bị cản trở trong việc học hành, làm việc và giao tiếp xã hội. Những khối u che kín mắt cũng làm thị lực anh rất kém.
Vì hoàn cảnh nhà nghèo, từ nhỏ anh không được đưa đi chữa trị. Năm 2012, gia đình anh còn từng bán đất để có tiền thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u thừa đắt đỏ. Tuy nhiên, vì trường hợp của Latif quá phức tạp, phẫu thuật ẩn chứa nhiều rủi ro nên đến giờ các bác sĩ cũng bó tay. Người đàn ông đành phải thất vọng quay trở lại sống tiếp với gương mặt dị dạng.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là anh Latif chịu đầu hàng trước số phận. Dù không thể làm việc như người thường vì đôi mắt kém, anh vẫn luôn lạc quan và là một người nông dân chăm chỉ. Đặc biệt hơn, Latif may mắn tìm được một người vợ yêu thương và là "nguồn sáng" cho anh trong cuộc đời.
Năm 2008, người đàn ông "không mặt" Latif Khatana đã kết hôn với người phụ nữ không chân tên Salima kém anh 7 tuổi. Cô Salima cũng khuyết tật chân phải, hai người đồng cảnh ngộ vô cùng hiểu nhau và cùng nhau nương tựa, vươn lên trong cuộc sống bất chấp nghịch cảnh. Ngay từ lần đầu gặp nhau, hai người đã có sự gắn bó như định mệnh vì hiểu những đau khổ người kia phải chịu đựng.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, cô Salima chia sẻ:"Dù Latif có vẻ ngoài như thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng sao cả. Tôi yêu anh ấy, cảm thấy vô cùng may mắn vì được cưới anh và chưa từng hối hận một ngày nào khi được làm vợ Latif. Gương mặt của anh ấy là ý định của Chúa, chúng ta không thể làm gì thì hãy bình thản đón nhận thôi. Việc của chúng tôi là phải sống thật hạnh phúc".
Thế nhưng đến khi Salima mang thai, anh Latif vô cùng lo lắng vì sợ rằng con mình cũng sẽ bị di truyền căn bệnh quái ác vì trong gia đình cũng từng có người khác bị như vậy.
"Tôi không thể chờ đợi cho đến ngày được làm cha và có những niềm hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng từ nhỏ, tôi đã luôn bị mọi người chế nhạo. Mẹ tôi thường khóc khi nhìn tôi. Bà cảm thấy tội lỗi và cho rằng con trai bà đã bị nguyền rủa. Không ai muốn chơi với tôi. Lớn lên, tôi muốn được làm việc nhưng thị lực và điều kiện khuôn mặt không cho phép. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho đứa con sinh ra mạnh khỏe và lành lặn. Tôi sợ nó cũng bị khối u giống mình", trong suốt thời gian vợ mang thai, anh Latif từng bị ám ảnh trong nỗi sợ hãi. Vì nỗi ám ảnh này, anh còn từng có ý định không sinh con.
May mắn là nỗi lo của vợ chồng anh đã không xảy ra. Đến nay, vợ chồng Latif và Salima đã có hai cô con gái xinh xắn và khỏe mạnh. Dù ở trong nghịch cảnh, gia đình cũng nghèo đói nhưng gia đình Latif luôn ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc.