Mức độ rủi ro của các khoản vay kinh doanh du lịch tiếp tục được nhiều TCTD đánh giá tăng cao thứ 2 chỉ sau khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng. Cập nhật mới nhất vào giữa tháng 4.2021, Ngân hàng nhà nước (NHNN) ước tính đến cuối tháng 3.2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với tháng 12.2020. NHNN khẳng định trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, BĐS. Trước đó, tại cuộc họp với NHNN, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN cần phải kiểm soát chặt tín dụng, tránh để tình trạng đầu cơ, thổi giá trục lợi trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng tại Mỹ chỉ cho vay mua đất khi có các công trình xây dựng trên đó, còn tại Việt Nam, vay để mua đất rất thuận lợi, chỉ cần lấy đất đó làm tài sản thế chấp là được vay. Việc chặn dòng tiền vào mua bán đất đai, thổi phồng giá đất đai lên gây ảnh hưởng đến lạm phát là rất cần thiết.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, thời gian vừa qua, tiền vào nhà đất rất nhiều, nhiều ngân hàng cho vay mua đất. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của nền kinh tế không hỗ trợ cho giá đất tăng mạnh. Ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng ở Việt Nam “rất mặn mà với đất”. Nếu có khách hàng đến vay mua đất, lấy đất đó làm tài sản thế chấp là ngân hàng cho vay 50-60% giá trị của đất. Nếu phải trả lãi ngân hàng, khách hàng có thể lấy từ nguồn khác để trả chứ không phải lấy từ chính tài sản đó sinh lời.
Như Nguyễn (Tổng hợp)