Lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ

Các ngân hàng đang có sự thay đổi về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo chiều hướng tăng. Một số ngân hàng gần đây đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng từ 0,1 - 0,3%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất là 7%/năm.

Eximbank vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn vào đầu tháng 12. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong 2 tháng trở lại đây. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 9 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,7%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 6%/năm thuộc kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất nhà băng này cao hơn từ 0,1 - 0,2% so với gửi tại quầy, cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

Còn OCB tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,2%/năm. Đối với tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3,55%/năm, 3 tháng lên 3,7%/năm, 6 tháng lên 5,2%/năm, 12 tháng lên 5,9%/năm và mức lãi suất cao nhất là 6,15%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Riêng khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất sẽ cao hơn mức thông thường 0,15 - 0,2%/năm tùy theo kỳ hạn.

Tài chính - Ngân hàng - Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, người gửi tiền có mặn mà?

Các ngân hàng đang có sự thay đổi về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo chiều hướng tăng. Ảnh minh họa 

Ngân hàng TMCP VietBank vừa có sự điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng từ tháng 12 tại đa số kỳ hạn so với đầu tháng trước. Mức tăng từ 0,1-0,2 điểm %. Riêng kỳ hạn phổ biến là 12 tháng được ngân hàng VietBank áp dụng mức tăng lãi suất lên đến 0,3 điểm % ở mức là 6,2%/năm. Tương tự như tiết kiệm tại quầy, lãi suất tiền gửi online trong tháng này cũng được điều chỉnh tăng tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng so với trước. Đáng chú ý, khách hàng khi gửi tiền trực tuyến sẽ được nhận lãi suất cao hơn 0,1 - 0,4 điểm % so với lãi suất niêm yết tại quầy ở cùng kỳ hạn gửi.

Ở khối ngân hàng quốc doanh, ngân hàng BIDV đã điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 12 tăng tại một số kỳ hạn cho khách hàng doanh nghiệp so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ngân hàng BIDV dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lên niêm yết ở mức là 4,8%/năm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 60 tháng.

Lãi suất huy động tiền đồng ở mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 7%/năm thuộc về VRB ở kỳ hạn 24 tháng. Một số ngân hàng có mức lãi cao khác như SCB ở mức 6,95%/năm kỳ hạn 18 tháng, HDBank huy động lãi suất 6,9%/năm ở kỳ hạn 13 tháng…

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch tiền đồng giữa các ngân hàng giảm nhẹ 0,02 - 0,6 %/năm vào những ngày đầu tháng 12. Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm còn 0,64%/năm, 1 tuần còn 0,74%/năm, 1 tháng còn 1,33%/năm, 3 tháng còn 1,78%/năm, 6 tháng còn 2,53%/năm. Riêng kỳ hạn 2 tuần lại tăng 0,5%/năm, lên 1,25%/năm.

Lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tại VPBank đã tăng mạnh tới 0,4 - 0,8%/năm. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online với số tiền gửi từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.

Chuyên gia phân tích và dự báo

Một điều dễ thấy là năm nay kênh tiền gửi không còn hấp dẫn, vì lãi suất huy động xuống rất thấp. Thay vào đó, các kênh chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, sôi động.

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đã giảm hai tháng liên tiếp (tháng 8 và 9), trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp. Từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của người dân tăng trưởng “èo uột”, không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí là có nhiều tháng sụt giảm. Đây là diễn biến chưa từng thấy ở những năm trước đây.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Chứng khoán SSI cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9 - 11% đối với khoản vay trên 12 tháng. Báo cáo gần đây của Chứng khoán Bảo Việt cho biết lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp khiến người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, cộng thêm nguy cơ rủi ro về lạm phát đã khiến dòng tiền của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng hay tiền ảo...

"Lạm phát không phải là nguy cơ đối với riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với rủi ro này. Khi lạm phát tăng, các ngân hàng cho vay ra cũng sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất nhằm mục đích đảm bảo biên lợi nhuận. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sử dụng công cụ tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tất cả những điều này sẽ làm lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới. Tuy vậy, lãi suất huy động có thể sẽ vẫn tiếp tục giữ ở mức thấp bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn rất dồi dào", ông Hiếu phân tích.

Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Thanh Niên, Bnews, Lao Động)